[Level 1] Financial Statement Analysis

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 11: Financial analysis techniques

Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 11 môn FSA của chương trình CFA level I

[LOS 11.a] Mô tả các công cụ và kỹ thuật được sử dụng trong phân tích tài chính, bao gồm cả cách sử dụng và hạn chế cụ thể

 

Cách sử dụng

Hạn chế

1. Phân tích chỉ số

  • Dự phóng thu nhập và dòng tiền trong tương lai.

  • Đánh giá tính linh hoạt của
    công ty

  • Đánh giá hiệu suất của
    ban quản trị.

  • Đánh giá những thay đổi trong công ty và ngành theo thời gian.

  • So sánh công ty với các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

  • Chỉ số tài chính không khả dụng khi chỉ xem xét đơn lẻ. Chúng chỉ hữu dụng khi được so sánh với chỉ số của các công ty khác trong ngành hoặc so sánh giữa các thời điểm khác nhau trong cùng một công ty.

  • Các công ty sử dụng chính sách kế toán khác nhau sẽ dẫn đến sự khó khăn trong việc so sánh chỉ số.

  • Khó tìm được các chỉ số ngành thích hợp để làm cơ sở so sánh.

  • Việc so sánh đơn lẻ một chỉ số sẽ không phản ánh đúng thực trạng của công ty.

2. Phân tích theo tỷ trọng

  • Cho phép nhà phân tích dễ dàng so sánh hiệu suất giữa các công ty tại một thời điểm hoặc một công ty giữa các thời điểm khác nhau.

  • Bảng cân đối kế toán theo tỷ trọng thể hiện tất cả các khoản mục trên bảng cân đối kế toán theo tỷ lệ phần trăm Tổng tài sản.

  • Báo cáo kết quả kinh doanh theo tỷ trọng thể hiện tất cả các khoản mục trong báo cáo theo tỷ lệ phần trăm Doanh thu.

  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo tỷ trọng thể hiện tất cả các luồng tiền dưới dạng tỷ lệ phần trăm Tổng dòng tiền hoặc Doanh thu thuần.

  • Không tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ra quyết định do thiếu tiêu chuẩn để so sánh.

  • Không thể hiện được xu hướng thay đổi của các khoản mục theo giá trị thực tế.

  • Không khả dụng khi tính toán một số chỉ số tài chính nhất định.

3. Phân tích bảng biểu minh họa

  • So sánh năng lực hoạt động và cấu trúc tài chính của doanh nghiệp theo thời gian, nêu rõ những thay đổi trong các khía cạnh quan trọng của hoạt động kinh doanh.

  • Cung cấp cho nhà phân tích (và đội ngũ quản lý) cái nhìn trực quan về các xu hướng lợi nhuận và rủi ro của doanh nghiệp.

  • Trực quan hóa kết luận của nhà phân tích về tình hình tài chính và quản trị rủi ro trong công ty.

  • Thường cần đính kèm văn bản hoặc thuyết trình bổ sung.

  • Có thể dễ dàng bị thao túng nhằm gây ra cách hiểu sai lệch cho người xem.

4. Phân tích hồi quy

  • Xác định mối quan hệ giữa
    các biến.

  • Cung cấp cơ sở để dự báo.

  • Xác định các mối tương quan khác với kỳ vọng ban đầu dựa trên kết quả hồi quy dữ liệu trong quá khứ.

  • Liên quan đến quy trình tính toán và phân tích rất dài và phức tạp.

  • Các giả định chặt chẽ của mô hình hồi quy dễ bị vi phạm.

 

[LOS 11.b] Xác định, tính toán và diễn giải về chỉ số đo lường tình hình hoạt động, tính thanh khoản, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời và các tỷ lệ định giá

[LOS 11.c] Mô tả mối quan hệ giữa các tỷ số và đánh giá một công ty bằng cách sử dụng phân tích tỷ số

Các loại chỉ số đo lường tình hình hoạt động, tính thanh khoản, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời và các tỷ lệ định giá cùng với cách sử dụng các chỉ sổ này được trình bày cụ thể như sau:

 

Cách sử dụng

Chỉ số hoạt động

Đo lường mức độ hiệu quả trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là mức độ hiệu quả của công ty khi quản lý các khoản mục tài sản khác nhau.

Chỉ số thanh khoản

Đo lường tốc độ chuyển đổi tài sản thành tiền mặt, khả năng thanh toán các nghĩa vụ ngắn hạn.

Chỉ số thanh toán

Đo lường khả năng của một công ty trong việc hoàn thành các nghĩa vụ nợ dài hạn.

Tỷ suất sinh lời

Đo lường khả năng công ty tạo ra lợi nhuận từ doanh thu và tài sản.

Định giá

Doanh thu trên mỗi cổ phiếu, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) và giá trên dòng tiền trên mỗi cổ phiếu là những ví dụ về các chỉ số được sử dụng làm cơ sở để định giá các công ty.

 

1. Chỉ số hoạt động

Chỉ số

hoạt động

Cách sử dụng / Công thức tính / Diễn giải

Vòng quay khoản phải thu & DSO
(Days of sales outstanding)

Cách sử dụng:

DSO đại diện cho thời gian trôi qua giữa một lần bán hàng và thu tiền, phản ánh tốc độ thu tiền mặt của công ty từ khách hàng.

Công thức tính:

  • Vòng quay khoản phải thu = Doanh thu/ TB các khoản phải thu

  • DSO = 365/ Vòng quay khoản phải thu

Diễn giải:

  • Vòng quay các khoản phải thu cao có thể cho thấy việc thu nợ tín dụng của công ty có hiệu quả cao hoặc là kết quả của các chính sách tín dụng hoặc thu nợ quá nghiêm ngặt, điều này có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng nếu đối thủ cạnh tranh đưa ra các điều khoản tín dụng khoan dung hơn cho khách hàng và ngược lại.

  • DSO cao có nghĩa là việc thu thập tín dụng của công ty kém hiệu quả.

Vòng quay khoản phải trả & DOP
(Number of Days of Payables)

Cách sử dụng:

Số ngày các khoản phải trả phản ánh số ngày trung bình mà công ty phải trả để thanh toán cho các nhà cung cấp và hệ số vòng quay các khoản phải trả đo lường số lần trong năm mà công ty thanh toán cho các nhà cung cấp của mình.

Công thức tính:

  • Vòng quay khoản phải trả = Mua hàng/ TB các khoản phải trả

  • DOP = 365/ Vòng quay khoản phải trả

Diễn giải:

  • Vòng quay các khoản phải trả cao có thể cho thấy rằng công ty không tận dụng hết các điều khoản tín dụng sẵn có và trả nợ cho các chủ nợ quá sớm hoặc công ty thanh toán sớm để hưởng chiết khấu thanh toán sớm.

  • Số ngày phải trả cao có nghĩa là công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán đúng hạn, hoặc công ty lợi dụng các điều khoản tín dụng khoan dung từ nhà cung cấp.

Vòng quay hàng tồn kho & DOH
(Days of inventory on hand)

Cách sử dụng:

Cho biết hiệu quả quản lý hàng tồn kho. Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho cao hơn có nghĩa là khoảng thời gian tồn kho được lưu giữ ngắn hơn và do đó DOH thấp hơn.

Công thức tính:

  • Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/ TB hàng tồn kho

  • DOH = 365/ Vòng quay hàng tồn kho

Diễn giải:

  • Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho cao so với các chỉ tiêu ngành có thể cho thấy quản lý hiệu quả cao hoặc công ty không có đủ lượng hàng tồn kho. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong trường hợp. thiếu hụt phát sinh và ngược lại

  • DOH cao có nghĩa là công ty sử dụng hàng tồn kho không hiệu quả và đang gặp khó khăn trong việc giải phóng hàng tồn kho.

Vòng quay vốn lưu động
(Working Capital Turnover – WCT)

Cách sử dụng:

Cho biết công ty tạo ra doanh thu bằng vốn lưu động hiệu quả như thế nào

Công thức tính:

WCT = Doanh thu/ TB vốn lưu động

Diễn giải:

Tỷ số vòng quay vốn lưu động cao cho thấy hiệu quả hoạt động cao hơn.

Vòng quay tài sản cố định
(Fixed Asset Turnover)

Cách sử dụng:

Đo lường mức độ hiệu quả mà công ty tạo ra doanh thu từ các khoản đầu tư vào tài sản cố định.

Công thức tính:

Vòng quay tài sản cố định = Doanh thu/ TB tài sản cố định thuần

Diễn giải:

Tỷ lệ cao cho thấy việc sử dụng tài sản cố định hiệu quả hơn trong việc tạo ra doanh thu.

Vòng quay tổng tài sản
(Total Asset Turnover)

Cách sử dụng:

Đo lường khả năng tổng thể của công ty trong việc tạo ra doanh thu với một mức tài sản nhất định.

Công thức tính:

Vòng quay tổng tài sản = Doanh thu/ TB tổng tài sản

Diễn giải:

Tỷ lệ cao cho thấy việc sử dụng tổng tài sản hiệu quả hơn để tạo ra doanh thu.

 

2. Chỉ số thanh khoản

Chỉ số

thanh khoản

Cách sử dụng / Công thức tính / Diễn giải

Chỉ số thanh toán hiện hành

(Current ratio)

Cách sử dụng:

Thể hiện nguồn lực tài sản ngắn hạn có thể chi trả được bao nhiêu lần nợ ngắn hạn. Tỷ lệ cao hơn cho thấy mức độ thanh khoản cao hơn

Công thức tính:

Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/ Nợ phải trả ngắn hạn

Diễn giải:

Chỉ số thanh toán hiện hành cao được đánh giá rất tốt bởi biểu hiện cho tính thanh khoản cao hơn.

Chỉ số thanh toán nhanh

(Quick ratio)

Cách sử dụng:

Thể hiện nguồn lực các khoản mục tài sản có tính thanh khoản cao chi trả được bao nhiêu lần nợ ngắn hạn. Các khoản mục tài sản có tính thanh khoản cao không bao gồm các khoản mục trong tài sản lưu động khó chuyển đổi thành tiền như hàng tồn kho, chi phí trả trước, thuế…

Công thức tính:

Chỉ số thanh toán nhanh = (Tiền + Các khoản đầu tư ngắn hạn + Khoản phải thu)/ Nợ phải trả ngắn hạn

Diễn giải:

Hệ số thanh toán nhanh cao cho thấy khả năng thanh khoản cao hơn.

Chỉ số thanh toán tiền mặt

(Cash ratio)

Cách sử dụng:

Thước đo đáng tin cậy về khả năng thanh khoản của một tổ chức trong tình huống khủng hoảng. Chỉ bao gồm các khoản đầu tư ngắn hạn có tính thanh khoản cao và tiền mặt.

Công thức tính:

Chỉ số thanh toán tiền mặt = (Tiền + Các khoản đầu tư ngắn hạn)/ Nợ phải trả ngắn hạn

Diễn giải:

Tỷ lệ tiền mặt cao rất được mong muốn vì nó cho thấy khả năng thanh khoản cao hơn.

Tỷ lệ khoảng thời gian
phòng thủ

(Defensive interval ratio)

Cách sử dụng:

Đo lường thời gian công ty có thể tiếp tục thanh toán các chi phí từ tài sản lưu động hiện có của mình mà không cần nhận thêm bất kỳ dòng tiền mặt nào.

Công thức tính:

Tỷ lệ khoảng thời gian phòng thủ = (Tiền + Các khoản đầu tư ngắn hạn + Khoản phải thu ngắn hạn) / Chi phí tiền mặt hàng ngày.

Diễn giải:

Tỷ lệ khoảng thời gian phòng thủ cao rất được mong muốn vì nó cho thấy tính thanh khoản cao.

Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt

(Cash conversion cycle)

Cách sử dụng:

Cho biết khoảng thời gian trôi qua kể từ thời điểm công ty đầu tư vào vốn lưu động cho đến thời điểm công ty thu được tiền.

Công thức tính:

Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt = DOH + DSO - DOP

Diễn giải:

Một chu kỳ ngắn được xem là tốt vì nó cho thấy tính thanh khoản cao.

 

3. Chỉ số thanh toán

Chỉ số

thanh toán

Cách sử dụng / Công thức tính / Diễn giải

Tỷ lệ nợ trên tài sản

(Debt-to-asset ratio)

Cách sử dụng:

Đo lường phần trăm tổng tài sản được tài trợ bằng nợ.

Công thức tính:

Tỷ lệ nợ trên tài sản = Tổng nợ/ Tổng tài sản

Diễn giải:

Tỷ lệ nợ trên tài sản càng cao, ngụ ý rủi ro tài chính càng cao hơn và khả năng thanh toán càng yếu hơn.

Tỷ lệ nợ trên vốn

(Debt-to-capital ratio)

Cách sử dụng:

Đo lường vốn nợ chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng nguồn vốn của công ty (Nợ + VCSH).

Công thức tính:

Tỷ lệ nợ trên vốn = Tổng nợ/ (Tổng nợ + Tổng VCSH)

Diễn giải:

Tỷ lệ nợ trên vốn càng cao thì rủi ro tài chính của công ty càng cao hơn.

Tỷ lệ nợ trên VCSH
(Debt-to-equity ratio)

Cách sử dụng:

Đo lường lượng vốn nợ so với vốn chủ sở hữu.

Công thức tính:

Tỷ lệ nợ trên VCSH = Tổng nợ / Tổng VCSH

Diễn giải:

Tỷ lệ nợ trên VCSH thì rủi ro tài chính của công ty càng cao hơn.

Tỷ lệ đòn bẩy tài chính

(Financial leverage ratio)

Cách sử dụng:

Đo lường số lượng tổng tài sản được hỗ trợ trên mỗi đơn vị VCSH.

Công thức tính:

Tỷ lệ đòn bẩy tài chính = TB tổng tài sản / TB tổng VCSH

Diễn giải:

Tỷ lệ đòn bẩy tài chính càng cao thì công ty sử dụng đòn bẩy tài chính càng nhiều (phụ thuộc vào nợ để cung cấp tài chính).

Tỷ lệ thanh toán lãi vay
(Interest coverage ratio)

Cách sử dụng:

Đo lường xem EBIT của một công ty (thu nhập trước lãi vay và thuế) có thể thanh toán các khoản lãi vay được bao nhiêu lần.

Công thức tính:

Tỷ lệ thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay / Chi phí lãi vay phải trả 

Diễn giải:

Tỷ lệ cao hơn cung cấp sự đảm bảo rằng công ty có thể trả nợ từ thu nhập hoạt động.

Tỷ lệ thanh toán chi phí cố định
(Fixed charge coverage ratios)

Cách sử dụng:

Đo lường xem thu nhập của một công ty có thể trang trải các khoản thanh toán tiền lãi và tiền thuê của công ty được bao nhiêu lần.

Công thức tính:

Tỷ lệ thanh toán chi phí cố định = (Lợi nhuận trước thuế và lãi vay + Chi phí thuê) / (Chi phí lãi vay + Chi phí thuê)

Diễn giải:

Tỷ lệ thanh toán chi phí cố định càng thấp thì rủi ro tài chính của công ty càng cao.

 

4. Tỷ suất sinh lời

Tỷ suất sinh lời

Cách sử dụng / Công thức tính / Diễn giải

Biên lợi nhuận gộp

(Gross profit margin)

Cách sử dụng:

Cho biết phần trăm doanh thu có sẵn để trang trải chi phí hoạt động, các chi phí khác và tạo ra lợi nhuận.

Công thức tính:

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu

Diễn giải:

Tỷ suất lợi nhuận gộp cao có thể được giải thích bởi giá sản phẩm đầu ra cao (phản ánh trong doanh thu cao) và chi phí đầu vào thấp (phản ánh trong giá vốn hàng bán thấp).

Biên lợi nhuận hoạt động (Operating profit margin)

Cách sử dụng:

Cho biết khả năng kiểm soát chi phí hoạt động của công ty, chẳng hạn như chi phí quản lý.

Công thức tính:

Biên lợi nhuận hoạt động = Thu nhập hoạt động / Doanh thu

Diễn giải:

  • Tỷ suất lợi nhuận hoạt động tăng nhanh hơn so với tỷ suất lợi nhuận gộp cho thấy công ty đã kiểm soát tốt chi phí hoạt động.

  • Tỷ suất lợi nhuận hoạt động giảm khi tỷ suất lợi nhuận gộp tăng cho thấy công ty không kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động.

Biên lợi nhuận trước thuế

(Pretax margin)

Cách sử dụng:

Phản ánh ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của đòn bẩy và các khoản thu nhập và chi phí khác (phi hoạt động)

Công thức tính:

Biên lợi nhuận trước thuế = Thu nhập trước thuế (EBT) / Doanh thu

Diễn giải:

Nếu tỷ suất lợi nhuận trước thuế của một công ty tăng chủ yếu do doanh thu các hoạt động ngoài kinh doanh tăng cao, thì nhà phân tích nên đánh giá xem liệu nguồn doanh thu này có tiếp tục mang lại thu nhập ổn định trong tương lai hay không.

Tỷ suất lợi nhuận ròng

(Net profit margin)

Cách sử dụng:

Cho biết một công ty tạo ra bao nhiêu lợi nhuận trên mỗi đồng doanh thu mà nó tạo ra.

Công thức tính:

Tỷ suất lợi nhuận ròng = Lợi nhuận ròng/ Doanh thu

Diễn giải:

Tỷ suất lợi nhuận ròng thấp cho thấy tỷ suất lợi nhuận an toàn thấp. Nó cảnh báo các nhà phân tích về nguy cơ doanh thu bán hàng của công ty giảm sút sẽ làm giảm lợi nhuận hoặc thậm chí dẫn đến lợi nhuận ròng bị âm.

Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA)

Cách sử dụng:

Đo lường lợi tức mà một công ty kiếm được trên tài sản của công ty đó.

Công thức tính:

ROA = Lợi nhuận ròng / TB tổng tài sản

Diễn giải:

ROA càng cao thì thu nhập mà công ty tạo ra so với tổng tài sản của nó càng lớn.

Tỷ suất sinh lời trên tổng vốn (ROTC)

Cách sử dụng:

Đo lường lợi nhuận mà một công ty kiếm được trên tất cả số vốn mà nó sử dụng (nợ dài hạn/ ngắn hạn và vốn chủ sở hữu)

Công thức tính:

Tỷ suất sinh lời trên tổng vốn = Lợi nhuận kế toán trước thuế và lãi vay / TB tổng nguồn vốn

Diễn giải:

ROTC càng cao, EBIT mà công ty tạo ra càng lớn so với tổng vốn của nó.

Tỷ suất sinh lời trên VCSH (ROE)

Cách sử dụng:

Đo lường lợi tức thu được của một công ty trên vốn cổ phần của công ty, bao gồm vốn cổ phần thiểu số, vốn cổ phần ưu đãi và vốn cổ phần phổ thông.

Công thức tính:

ROE = Lợi nhuận ròng / TB tổng VCSH

Diễn giải:

ROE cao cho thấy việc sử dụng VCSH hiệu quả.

 

[LOS 11.d] Trình bày cách áp dụng công thức DuPont vào việc phân tích lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; tính toán và giải thích ảnh hưởng của những thay đổi trong các thành phần của công thức này

Phương trình phân tách - DuPont được sử dụng để chia nhỏ lợi nhuận trên VCSH (ROE) thành các tỷ lệ thành phần.

Việc phân tách ROE thành các thành phần của nó thông qua phân tích DuPont có những công dụng như sau:

  • Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá các khía cạnh khác nhau trong hoạt động của công ty mà có ảnh hưởng đến ROE được báo cáo.

  • Xác định lý do thay đổi ROE theo thời gian của một công ty nhất định.

  • Hiểu lý do dẫn đến sự khác biệt về ROE giữa các công ty khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định.

  • Hướng ban quản lý đến các vấn đề mà nó nên tập trung vào để cải thiện ROE.

  • Cho thấy mối quan hệ giữa các loại tỷ lệ khác nhau và ảnh hưởng của chúng đến lợi nhuận mà chủ sở hữu nhận được từ khoản đầu tư của họ.

 

Phân tích DuPont thành 2 cấu phần:

Phân tích DuPont thành 3 cấu phần:

 

Phân tích DuPont thành 5 cấu phần:

Trong đó:

  • Tỷ lệ gánh nặng thuế (Tax burden ratio) đo lường tỷ lệ lợi nhuận trước thuế mà một công ty được giữ. Tỷ lệ gánh nặng thuế càng cao thì thuế suất thuế TNDN của công ty càng thấp và tỷ lệ giữa lợi nhuận ròng trên lợi nhuận trước thuế càng cao.

  • Tỷ lệ gánh nặng lãi vay (Interest burden ratio) phản ánh ảnh hưởng của chi phí lãi vay lên ROE. Chi phí lãi vay càng cao thì ROE càng giảm. Khi chi phí lãi vay tăng, lợi nhuận trước thuế sẽ giảm, tỷ lệ gánh nặng lãi vay sẽ giảm và ROE cũng giảm.

  • Biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT margin) phản ánh ảnh hưởng của khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh trên ROE.

  • Tỷ số vòng quay tài sản (Asset turnover) là một chỉ số đánh giá hiệu quả chung của công ty.

  • Tỷ số đòn bẩy (Leverage ratio) đo lường tổng giá trị tài sản của một công ty so với VCSH của nó.

 

[LOS 11.e] Tính toán và giải thích các chỉ số được sử dụng trong phân tích vốn chủ sở hữu và phân tích tín dụng

1. Phân tích vốn chủ sở hữu

1.1. Chỉ số định giá

Tỷ số

Ý nghĩa

P/E = Giá trên mỗi cổ phiếu/ Thu nhập trên mỗi cổ phiếu 

Về cơ bản, nó cho chúng ta biết một cổ phiếu phổ thông hiện có giá trị bao nhiêu trên một đồng thu nhập của công ty.

P/CF = Giá trên mỗi cổ phiếu/ Dòng tiền trên mỗi cổ phiếu

Dòng tiền ít bị quản lý thao túng hơn so với thu nhập. Do đó, tỷ lệ P/CF có thể được sử dụng để so sánh giữa các công ty sử dụng kế toán thổi phồng (aggressive accounting) ở các mức độ khác nhau.

P/S = Giá trên mỗi cổ phiếu/ Doanh thu trên mỗi cổ phiếu

Doanh thu thường ít bị thao túng hơn các giá trị cơ bản khác. Tỷ lệ này được sử dụng khi một công ty không có thu nhập ròng dương.

P/BV = Giá trên mỗi cổ phiếu/ Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu

Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu ổn định hơn EPS. P/BV có thể có ý nghĩa hơn P/E khi EPS cao/ thấp bất thường, hoặc có biến động lớn.

1.2. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS)

EPS cơ bản (basic EPS) là số thu nhập dành cho cổ đông phổ thông chia cho bình quân gia quyền số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong một thời kỳ. Mức thu nhập dành cho cổ đông phổ thông là thu nhập ròng còn lại sau khi cổ tức ưu đãi (nếu có) đã được trả. Do đó, ta có công thức tính EPS cơ bản như sau:

 

EPS pha loãng (diluted EPS) luôn bằng hoặc nhỏ hơn EPS cơ bản. Chứng khoán pha loãng bao gồm: cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi, trái phiếu có thể chuyển đổi; quyền chọn mua cổ phiếu và chứng quyền. Ta có công thức tính EPS pha loãng như sau:

 

Thuật ngữ

Định nghĩa

Tính toán

Tỷ lệ chi trả cổ tức (Dividend payout rate)

Phần trăm thu nhập mà công ty trả cổ tức cho các cổ đông

DPR = (Tổng cổ tức/ Lợi nhuận ròng) x 100%

Tỷ lệ giữ lại
(Retention rate)

Phần trăm thu nhập mà một công ty giữ lại.

1 – Tỷ lệ chi trả cổ tức

Tỷ lệ phát triển bền vững (Sustainable growth rate)

Tỷ lệ tăng trưởng bền vững của một công ty được xem là một hàm số của khả năng sinh lời (được đo bằng ROE) và khả năng tự tài trợ của nó từ các quỹ tạo ra trong nội bộ

SGR(g) =Tỷ lệ giữ lại x ROE = (1 – Tỷ lệ chi trả cổ tức) x ROE

        

1.3. Rủi ro kinh doanh

Hệ số

Tính toán

Hệ số biến động của thu nhập hoạt động

Độ lệch chuẩn của thu nhập hoạt động / Thu nhập hoạt động trung bình

Hệ số biến động của thu nhập ròng

Độ lệch chuẩn của thu nhập ròng / Thu nhập ròng trung bình

Hệ số biến động của doanh thu

Độ lệch chuẩn của doanh thu / Doanh thu trung bình

1.4. Các chỉ số trong ngành tài chính

Hệ số

Tính toán

Hệ số an toàn vốn (của các ngân hàng) (Capital Adequacy Ratio – CAR)

Các thành phần khác nhau của nguồn vốn/ Các thước đo khác nhau như tài sản có trọng số rủi ro, mức độ rủi ro thị trường

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
(Monetary reserve requirement)

Dự trữ được giữ tại ngân hàng trung ương/ Nợ tiền gửi cụ thể

Tỷ lệ tài sản thanh khoản bắt buộc
(Liquid asset requirement)

Chứng khoán có thể sẵn sàng giao dịch trên thị trường/ Các khoản nợ tiền gửi cụ thể

Biên lãi ròng
(Net interest margin)

Thu nhập lãi ròng/ Tổng tài sản sinh lãi

 

2. Phân tích tín dụng

Phân tích tín dụng là việc đánh giá rủi ro tín dụng – rủi ro mất mát do đối tác hoặc bên nợ không thực hiện một khoản thanh toán đã hứa. Các tỷ lệ sau có thể được sử dụng để đánh giá rủi ro tín dụng của công ty.

Hệ số

Tính toán

Tỷ lệ thanh toán lãi vay EBITDA

EBITDA / Chi phí lãi vay

FFO (Tiền từ hoạt động) trên tổng nợ

FFO / Tổng nợ

Dòng tiền hoạt động tự do trên tổng nợ

[Dòng tiền hoạt động tự do (có điều chỉnh) – Capital Expenditure]/ Tổng nợ

Biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT margin)

EBIT / Tổng doanh thu

Biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và chi phí khấu hao (EBITDA margin)

EBITDA / Tổng doanh thu

Tỷ lệ Nợ trên EBITDA

Tổng nợ / EBITDA

Khả năng thu hồi vốn (Return on capital)

EBIT / TB vốn đầu kỳ và cuối kỳ

 

[Pre.i] Giải thích các yêu cầu đối với báo cáo của các mảng hoạt động kinh doanh, tính toán và giải thích các tỷ lệ của mảng kinh doanh

Phân tích viên thường phải đánh giá hiệu suất của các mảng kinh doanh (business segments) trong doanh nghiệp. Mặc dù các công ty không bị yêu cầu phải cung cấp BCTC đầy đủ cho cho các mảng kinh doanh này nhưng họ được yêu cầu phải cung cấp thông tin của các mảng kinh doanh theo IFRS và US GAAP. Một công ty thường sẽ báo cáo kết quả kinh doanh trong nội bộ theo phân khúc kinh doanh hay phân khúc địa lý.

Phân khúc kinh doanh (business segment): được xác định nếu phân khúc đó chiếm hơn 10% doanh thu hoặc tài sản của công ty và có thể phân biệt được với các ngành kinh doanh khác của công ty về đặc điểm rủi ro và lợi nhuận của phân khúc.

Phân khúc địa lý (geographic segment): được xác định khi đáp ứng các tiêu chí ở trên và có đơn vị địa lý với môi trường kinh doanh khác với các phân khúc khác hoặc phần còn lại của hoạt động kinh doanh của công ty.

Dựa trên thông tin của các mảng kinh doanh được cung cấp bởi công ty, nhiều chỉ số hữu dụng có thể được tính toán.

Tỷ lệ phân khúc

Cách sử dụng/ Tính toán

Biên lợi nhuận của bộ phận

(Segment margin)

Cách sử dụng: Đo lường khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh so với doanh thu.

Cách tính: Lãi (Lỗ) của bộ phận/ Doanh thu bộ phận

Doanh thu phân khúc

(Segment turnover)

Cách sử dụng: Đo lường hiệu quả tổng thể, đo lường doanh thu được tạo ra trên mỗi đồng tài sản

Tính toán: Doanh thu bộ phận/ Tài sản bộ phận

ROA của bộ phận

(Segment ROA)

Cách sử dụng: Đo lường khả năng sinh lời liên quan đến tài sản.

Cách tính:  Lãi (lỗ) của bộ phận/ Tài sản bộ phận

Tỷ lệ nợ bộ phận

(Segment debt ratio)

Công dụng: Đo lường khả năng thanh toán của bộ phận.

Cách tính: Nợ bộ phận/ Tài sản bộ phận

 

[LOS 11.f] Mô tả cách phân tích tỷ số và các kỹ thuật khác có thể được sử dụng để lập mô hình và dự phóng thu nhập

Kết quả của phân tích tài chính cung cấp các yếu tố đầu vào có giá trị để đưa ra dự báo về thu nhập và dòng tiền trong tương lai. Phân tích viên có thể xây dựng mô hình để dự báo hiệu quả hoạt động trong tương lai của một công ty. Các kỹ thuật có thể được sử dụng bao gồm:

Kỹ thuật

Đặc tính

Phân tích độ nhạy
(Sensitivity Analysis)

Cho biết phạm vi kết quả có thể xảy ra khi các giả định cơ bản được thay đổi.
(Ví dụ: thu nhập ròng sẽ là bao nhiêu nếu phát hành thêm nợ?)

Phân tích tình huống
(Scenario Analysis)

Loại phân tích này cho thấy sự thay đổi của các biến tài chính chủ chốt xảy ra do các sự kiện (kinh tế) nhất định, chẳng hạn như mất khách hàng, mất nguồn cung cấp hoặc một sự kiện thảm khốc.

Mô phỏng Monte Carlo
(Monte Carlo Simulation)

Đây là mô phỏng do máy tính tạo ra hoặc dựa trên scenario analysis đối với các mô hình xác suất cho các yếu tố dẫn tới kết quả đầu ra.

Mỗi biến cố hoặc kết quả đầu ra có thể xảy ra được gán cho một xác suất. Sau đó, nhiều kịch bản được tiến hành thông qua việc cách sử dụng các yếu tố xác suất được gán cho các giá trị có thể có của một biến.