[Level 1] Fixed Income Investments

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 17: Fixed-income Securitization

Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 17 môn FI của chương trình CFA level I

I. Giải thích lợi ích của chứng khoán hóa đối với tổ chức phát hành, nhà đầu tư, nền kinh tế và thị trường tài chính.

1.    Định nghĩa

Chứng khoán hóa (securitization) là nghiệp vụ thực hiện bởi các tổ chức chứng khoán hóa (securitization entities) tiến hành gom (pooled) các loại tài sản tài chính khác nhau lại và dùng chúng như tài sản đảm bảo để phát hành những công cụ tài chính mới, gọi là ABS, sau đó bán cho nhà đầu tư.

 

2. Lợi ích của chứng khoán hóa

2.1. Đối với nền kinh tế và thị trường tài chính

  • Giảm chi phí gọi vốn.

  • Tăng tính thanh khoản cho các tài sản tài chính cơ sở (underlying financial assets).

  • Mang lại sự đa dạng hóa (diversification) cho việc huy động vốn.

  • Tạo thêm nguồn cho vay (more funds for selling).

2.2. Đối với tổ chức phát hành

  • Tăng cường hoạt động kinh doanh.

  • Cải thiện khả năng sinh lời.

  • Giảm dự trữ vốn cho ngân hàng.

  • Tăng tính thanh khoản.

2.3. Đối với nhà đầu tư

  • Điều chỉnh rủi ro và lợi nhuận phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư.

  • Mang lại sự đa dạng hóa cho danh mục đầu tư.

  • Tăng tính thanh khoản.

 

3. Rủi ro của chứng khoán hóa

Mặc dù chứng khoán hóa mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nhưng vẫn tồn tại một số rủi ro. Nhìn chung, những rủi ro này rơi chủ yếu vào hai loại sau:

  • Rủi ro về thời điểm phát sinh dòng tiền từ tài sản đảm bảo của ABS.

    Ví dụ: Rủi ro co lại (contraction risk); Rủi ro gia hạn (extension risk).

  • Rủi ro tín dụng tiềm tàng của tài sản đảm bảo cho ABS.

    Ví dụ: Người đi vay không thể trả nợ → SPE có thể không thanh toán bằng tiền mặt cho người nắm giữ chứng khoán.

 

II. Mô tả quá trình chứng khoán hóa, các bên tham gia và vai trò của mỗi bên

1. Quy trình chứng khoán hóa (Securitization)

1.1. Quy trình

FI_M17

1.2. Quá trình thực hiện

  • Doanh nghiệp ABC Co. cung cấp tín dụng thương mại cho khách hàng mua xe ô tô, đồng nghĩa với việc cho khách hàng vay khoản tiền đó → ABC Co. (originator) tạo nên khoản cho vay hay khoản phải thu (receivable).

  • ABC Co. bán khoản cho vay (khoản phải thu) cho SPE để loại nó ra khỏi báo cáo tài chính, đồng thời ABC Co. có thể thu tiền về sớm hơn. Lúc này ABC Co. là người bán khoản cho vay (seller hay depositor).

  • SPE đóng vai trò là bên nhận ủy thác (trust) hoặc bên phát hành (issuer), sử dụng các khoản cho vay (khoản phải thu) đã mua được để làm tài sản đảm bảo và phát hành ra ABS, sau đó bán chúng cho nhà đầu tư.

 

2. Các bên tham gia trong quá trình chứng khoán hóa và vai trò

Trong quá trình chứng khoán hóa, có 3 tổ chức chính tham gia đó là:

  • Người khởi tạo (Originator/Seller): bên tạo ra khoản cho vay và bán chúng cho SPE (trong ví dụ trên là doanh nghiệp ABC Co.);

  • Bên phát hành (Issuer/Trust): tổ chức thực hiện việc mua lại khoản vay hay các khoản phải thu và sử dụng chúng như tài sản đảm bảo để phát hành ABS. Tổ chức này được gọi là Công ty phục vụ mục đích đặc biệt (Special purpose entity/vehicle – SPE/SPV);

  • Tổ chức cung cấp nghiệp vụ cho vay (Servicers): thực hiện các nghiệp vụ thông thường trong một khoản cho vay như quản lý quá trình thu gốc và lãi. Trong một số trường hợp, originator cũng có thể đóng vai trò là servicer.

Ngoài ra còn có các bên khác tham gia vào quá trình chứng khoán hóa như:

  • Kế toán độc lập (independent accountants);

  • Luật sư (lawyers and attorneys);

  • Bên được ủy thác (trustee);

  • Bên bảo lãnh phát hành (underwriters);

  • Tổ chức đánh giá tín dụng (rating agencies);

  • Bên bảo lãnh tài chính (financial guarantors).

Các tổ chức này đều được coi là bên thứ ba trong quá trình chứng khoán hóa.

 

3. Vai trò chính của Special Purpose Entity (SPE)

Special Purpose Entity (SPE) là tổ chức không bị ảnh hưởng bởi rủi ro phá sản của công ty mẹ (bankruptcy remoteness), các nghĩa vụ của chúng sẽ được đảm bảo ngay cả khi công ty mẹ phá sản.

Giải thích về khái niệm “bankruptcy remoteness:

  • Doanh nghiệp (đóng vai trò originator) bán khoản cho vay (phải thu) cho SPE, nên các khoản cho vay này không còn thuộc sở hữu của doanh nghiệp → Khi doanh nghiệp phá sản, dòng tiền từ các khoản cho vay này vẫn được đảm bảo bởi SPE để thanh toán cho nhà đầu tư.

  • Do tính chất tách biệt rủi ro phá sản với công ty mẹ (bankruptcy remoteness), xếp hạng tín dụng của chứng khoán ABS sẽ cao hơn xếp hạng tín dụng của trái phiếu được phát hành bởi người khởi tạo → Chi phí gọi vốn sẽ được giảm bớt khi phát hành ABS hơn là sử dụng trái phiếu truyền thống.