Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 2 môn FSA của chương trình CFA level I
[Pre.i] Tìm hiểu các thành phần của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và các hình thức trình bày của báo cáo đó
1. Các thành phần chính của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Doanh thu (Revenue): Số tiền thu được (hoặc dự kiến sẽ thu được) từ việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi phí (Expenses): Phản ánh các dòng tiền ra, khấu hao của tài sản và các khoản trả nợ phải trả trong quá trình hoạt động của một doanh nghiệp.
Doanh thu thuần (Net revenue): Doanh thu đã loại bỏ đi các khoản giảm trừ như chiết khấu thương mại, hàng hóa bị trả lại, chiết khấu thanh toán.
Lợi nhuận gộp (Gross Profit): Phần lợi nhuận mà công ty kiếm được sau khi trừ chi phí giá vốn hàng bán của doanh nghiệp.
Lợi nhuận ròng (Net income) bằng Doanh thu thuần (Net Revenue) trừ Chi phí (Expenses) trong các hoạt động thông thường của doanh nghiệp, cộng Thu nhập khác (Other Income) trừ Chi phí khác (Other Expenses), cộng Lãi (Gain) trừ Lỗ (Loss).
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (Operating Profit): Lợi nhuận gộp sau khi đã khấu trừ các chi phí liên quan tới bán hàng, hành chính, nghiên cứu và phát triển. Khoản mục này phản ánh lợi nhuận của một công ty từ các hoạt động kinh doanh của mình trước khi trừ thuế và đối với các công ty phi tài chính, trước khi trừ chi phí lãi vay.
Lãi (Gain), Lỗ (Loss) lần lượt là sự tăng và giảm lợi ích kinh tế, có thể phát sinh hoặc không phát sinh trong các hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Ví dụ như khoản lãi/lỗ đến từ sự tăng/giảm giá ngoại tệ mà doanh nghiệp đang nắm giữ.
Phương trình kế toán:
(1) Doanh thu - Chi phí = Lợi nhuận ròng
Doanh thu - Chi phí + Lợi nhuận khác - Chi phí khác + Lãi - Lỗ = Lợi nhuận ròng
(2) Doanh thu - Điều chỉnh các khoản hoàn lại và dự phòng = Doanh thu thuần
(3) Doanh thu thuần - Giá vốn hàng bán = Lợi nhuận gộp
(4) Lợi nhuận gộp - Chi phí hoạt động kinh doanh = Lợi nhuận hoạt động kinh doanh
2. Các hình thức trình bày thay thế của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
2.1. Hai hình thức trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
Hình thức 1: Định dạng nhiều bước (multi-step format)
Hình thức 2: Định dạng một bước (single-step format)
2.2. Hai hình thức phân nhóm của chi phí
Chi phí (Expenses) phản ánh các dòng tiền ra, khấu hao của tài sản và các khoản trả nợ phải trả trong quá trình hoạt động của một doanh nghiệp. Việc phân nhóm chi phí có thể được thực hiện theo 2 cách:
-
Phân nhóm theo bản chất của chi phí:
Trình bày chi phí sản xuất và chi phí quản lý trong hạng mục chi phí trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Cụ thể như: chi phí khấu hao, chi phí thuê mặt bằng, chi phí trả lương cho nhân viên, chi phí lãi vay, chi phí thuế thu nhập.
-
Phân nhóm theo chức năng của chi phí:
Trình bày chi phí thành các mục giá vốn hàng bán (có thể bao gồm chi phí lao động và vật liệu), chi phí hoạt động, chi phí khác, chi phí thuế thu nhập.
[LOS 2.a] Mô tả các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán chung về ghi nhận doanh thu, các ứng dụng ghi nhận doanh thu cụ thể và ý nghĩa của các lựa chọn ghi nhận doanh thu đối với phân tích tài chính
I. Tìm hiểu các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán về ghi nhận doanh thu
Thu nhập (income) là lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán tăng lên dưới hình thức tăng lên của giá trị tài sản hay giảm đi các khoản nợ phải trả làm tăng vốn chủ sở hữu, trừ các khoản đóng góp của các bên tham gia góp vốn.
1. Nguyên tắc chung ghi nhận doanh thu
Nguyên tắc kế toán dồn tích (accrual basis): Doanh thu được ghi nhận (được báo cáo trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh) khi rủi ro và lợi ích của quyền sở hữu được chuyển giao (điều này thường xảy ra khi công ty giao hàng hóa hoặc dịch vụ).
Việc ghi nhận doanh thu có thể xảy ra độc lập với việc chuyển giao tiền/các khoản tương đương tiền. Có 2 trường hợp chính cụ thể như sau:
-
Bán chịu (Credit sale)
Bán chịu là hoạt động bên bán cung cấp hàng hóa/dịch vụ trước và thực hiện thu tiền sau. Tại thời điểm cung cấp hàng hóa/dịch vụ, kế toán công ty ghi Tăng Doanh thu/ Tăng khoản phải thu. Tại thời điểm thu tiền, kế toán công ty ghi nhận Tăng TS tiền (các khoản tương đương tiền)/ Giảm khoản phải thu.
-
Hàng bán trả tiền trước (Payment in advance )
Từ góc nhìn của nhà cung cấp, hàng bán trả tiền trước thực chất là một khoản nợ - một khoản Doanh thu chưa thực hiện và được ghi nhận khi thực hiện chuyển giao tiền mặt.
Tại thời điểm chuyển giao tiền, kế toán công ty ghi nhận Tăng TS tiền (các khoản tương đương tiền), tăng Doanh thu chưa thực hiện. Tại thời điểm chuyển giao hàng hóa, kế toán công ty ghi nhận Tăng Doanh thu/Giảm Doanh thu chưa thực hiện.
2. Chuẩn mực kế toán ghi nhận doanh thu
Doanh thu phải được ghi nhận để “mô tả việc chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ đã hứa cho khách hàng với số tiền phản ánh sự cân nhắc mà đơn vị dự kiến được hưởng khi trao đổi lấy hàng hóa hoặc dịch vụ đó.”
Quy trình 5 bước ghi nhận doanh thu:
Bước 1: Xác định (các) hợp đồng với khách hàng.
Hợp đồng là một thỏa thuận quy định các quyền và nghĩa vụ có thể thực thi. Một bản hợp đồng cần có 5 tiêu chí sau:
-
Các bên thực hiện hợp đồng chấp nhận và cam kết thực hiện các nghĩa vụ được quy định trên hợp đồng.
-
Công ty có thể xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan đối với hàng hóa dịch vụ được chuyển giao.
-
Điều khoản thanh toán đối với hàng hóa dịch vụ cần phải được xác định rõ ràng.
-
Hợp đồng mang tính chất thương mại.
Thu thập có thể ghi nhận được cân nhắc dựa trên ngưỡng áp dụng của 2 chuẩn mực cụ thể như sau:
-
IFRS: “Có thể xảy ra (probable)” nghĩa là có nhiều khả năng xảy ra hơn là không.
-
US GAAP: “Có thể xảy ra (probable)” nghĩa là có khả năng xảy ra.
Bước 2: Xác định các nghĩa vụ thực hiện riêng biệt/ khác biệt trong hợp đồng.
Nghĩa vụ thực hiện (performance obligation) là một lời hứa cung cấp một hàng hóa hoặc dịch vụ riêng biệt (distinct). Một hàng hóa hoặc dịch vụ được xem là riêng biệt nếu đáp ứng cả hai tiêu chí sau:
-
Khách hàng có thể nhận được lợi ích từ chính hàng hoá/dịch vụ hoặc từ việc kết hợp với các nguồn lực sẵn có khác.
-
Lời hứa chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ có thể được xác định riêng biệt với bất kỳ lời hứa nào khác.
Trường hợp mỗi nghĩa vụ thực hiện đã xác định được hạch toán riêng. Nếu không kế toán sẽ chỉ hạch toán vào một nghĩa vụ duy nhất.
Bước 3: Xác định giá giao dịch.
Giá giao dịch là số tiền mà người bán ước tính sẽ nhận được khi trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ được xác định trong hợp đồng với người mua.
Bước 4: Phân bổ giá cho các nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng.
Giá giao dịch phải được phân bổ cho từng nghĩa vụ thực hiện dựa trên giá riêng (stand-alone price) của từng nghĩa vụ thực hiện.
Bước 5: Ghi nhận doanh thu khi đơn vị thực hiện nghĩa vụ.
Đơn vị sẽ ghi nhận doanh thu có thể nhận được ngay sau khi thực hiện nghĩa vụ bằng cách chuyển giao quyền sử dụng sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng. Các yếu tố cần xem xét khi đánh giá liệu khách hàng có quyền được sử dụng tài sản/dịch vụ tại một thời điểm hay không bao gồm:
-
Doanh nghiệp có quyền hợp pháp được nhận khoản thanh toán.
-
Khách hàng có quyền hợp pháp đối với sản phẩm/dịch vụ.
-
Khách hàng sở hữu sản phẩm/dịch vụ.
-
Khách hàng có những rủi ro hay lợi ích nhất định khi có được quyền sở hữu
-
Khách hàng đã chấp nhận tài sản.
II. Tìm hiểu về các yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc ghi nhận doanh thu
1. Hợp đồng dài hạn
Trường hợp tổn thất đã được ước tính trên hợp đồng -> Ngay lập tức ghi nhận khoản lỗ trên báo cáo, bất kể phương pháp nào được sử dụng.
Trường hợp lợi nhuận được ước tính trên hợp đồng:
-
Lợi nhuận của hợp đồng có thể được đo lường một cách đáng tin cậy.
-
Lợi nhuận của hợp đồng không thể đo lường một cách đáng tin cậy.
2. Cân nhắc linh hoạt
Nguyên tắc: Tiền thưởng thành tích (bonus) nên được thêm vào doanh thu nếu khả năng đạt được là rất cao.
3. Sửa đổi hợp đồng
Nguyên tắc:
-
Sửa đổi hợp đồng để mở rộng một phần của hợp đồng hiện có nếu hàng hoá, dịch vụ được cung cấp không khác biệt với hàng hoá, dịch vụ đã được chuyển giao.
-
Sửa đổi hợp đồng như một hợp đồng mới nếu hàng hóa, dịch vụ được cung cấp khác với hàng hóa, dịch vụ được chuyển giao.
4. Công ty hoạt động như một đại lý
Nguyên tắc:
Doanh thu của đại lý (Agent) = Hoa hồng bán hàng
Doanh thu công ty gốc (Principal) = Tổng số tiền đang xem xét
[LOS 2.b] Tìm hiểu các nguyên tắc chung về ghi nhận chi phí, các ứng dụng ghi nhận chi phí cụ thể và ý nghĩa của các lựa chọn ghi nhận chi phí đối với phân tích tài chính
Chi phí (Expenses) là sự suy giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán dưới hình thức tăng lên của các khoản nợ hay sự giảm đi giá trị tài sản dẫn tới giảm vốn chủ sở hữu, ngoại trừ các khoản phân phối đối với chủ sở hữu.
1. Nguyên tắc chung ghi nhận chi phí
1.1. Ghi nhận theo nguyên tắc phù hợp (Matching Principle)
Nguyên tắc phù hợp là nguyên tắc kế toán theo đó thu nhập và chi phí của đơn vị kế toán phải được ghi nhận một cách tương ứng trong cùng kỳ kế toán nhằm đảm bảo việc xác định kết quả của kỳ kế toán được chính xác và tin cậy.
Theo nguyên tắc phù hợp, giá vốn hàng bán sẽ được hạch toán tương ứng với doanh thu khi các hàng hóa/dịch vụ này được bán.
1.2. Chi phí trong kỳ (Period Cost)
Chi phí trong kỳ là chi phí do công ty thực hiện hoặc phát sinh trách nhiệm phải trả trong kỳ.
2. Chuẩn mực kế toán ghi nhận chi phí
2.1. Ghi nhận chi phí hàng tồn kho
Phương pháp |
Giá vốn hàng bán |
Hàng tồn kho cuối kỳ |
FIFO |
Giá trị hàng hóa nhập kho đợt đầu |
Giá trị hàng hóa nhập kho đợt cuối |
LIFO |
Giá trị hàng hóa nhập kho đợt cuối |
Giá trị hàng hóa nhập kho đợt đầu |
WAC |
Chi phí trung bình của tất cả các hàng hóa * Số lượng |
Chi phí trung bình của tất cả các hàng hóa * Số lượng |
Specific identification |
Giá trị của mỗi hàng hóa xuất kho |
2.2. Các khoản nợ khó đòi (Uncollectible account/ Doubtful Account)
Khi một công ty bán chịu sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng, có khả năng khách hàng sẽ không thể thanh toán tiền cho công ty. Tại thời điểm thanh toán đã chốt trong hợp đồng giữa 2 bên mà khách hàng không có khả năng thanh toán, lúc này khách hàng chính thức vỡ nợ. Chỉ khi đó, công ty mới ghi nhận tổn thất theo phương pháp xóa sổ trực tiếp (direct write-off method).
Theo nguyên tắc phù hợp, tại thời điểm công ty ghi nhận doanh thu, kế toán bắt buộc phải ước tính về mức doanh thu sẽ không thể thu được. Các công ty đưa ra các ước tính như vậy dựa trên kinh nghiệm trước đó với các khoản phải thu.
Các ước tính đó có thể được biểu thị bằng tỷ lệ giữa tổng số tiền bán hàng, tổng số các khoản phải thu hoặc số khoản phải thu quá hạn trong một khoảng thời gian cụ thể. Công ty ghi nhận ước tính các khoản không thể thu hồi được như một khoản chi phí (mục Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
2.3. Chi phí bảo hành (Warranty expense)
Chi phí bảo hành liên quan đến chi phí sẽ được sử dụng để sửa chữa hoặc thay thế sản phẩm mà họ bán, nếu sản phẩm không hoàn chỉnh ở một số khía cạnh được đề cập trong các điều khoản bảo hành.
Theo nguyên tắc phù hợp (matching principle), một công ty được yêu cầu ước tính số tiền chi phí trong tương lai do bảo hành của mình, để ghi nhận chi phí bảo hành ước tính trong thời gian bán hàng và cập nhật chi phí trong suốt thời gian bảo hành.
2.4. Khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình
Tài sản dài hạn (long-lived assets) là tài sản được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai, thời gian lớn hơn một năm. Các chi phí hầu hết được phân bổ theo khoảng thời gian mà chúng mang lại lợi ích kinh tế đối với chủ sở hữu. Hai loại tài sản mà chi phí của chúng không được phân bổ theo thời gian là đất đai và những tài sản vô hình (intangible assets) có thời gian hữu dụng vô thời hạn.
Khấu hao là quá trình phân bổ một cách có hệ thống các chi phí của tài sản dài hạn trong khoảng thời gian mà tài sản đó dự kiến sẽ mang lại lợi ích kinh tế.
Khấu hao tài sản hữu hình (Depreciation) là thuật ngữ thường được áp dụng cho tài sản dài hạn hữu hình như nhà máy và thiết bị sản xuất,...
Khấu hao tài sản vô hình (Amortization) là thuật ngữ thường được áp dụng cho tài sản dài hạn vô hình có thời gian sử dụng hữu ích được xác định (finite useful life) và cũng được áp dụng đối với các khoản chênh lệch với mệnh giá (discount or premium relative to face value) của các chứng khoán có thu nhập cố định (fixed – income security).
Khấu hao lũy kế (Accumulated depreciation) là tổng chi phí khấu hao được phân bổ cho một tài sản cụ thể kể từ khi tài sản đó được sử dụng.
Có các phương pháp tính khấu hao như sau:
-
Phương pháp khấu hao theo đường thẳng (straight-line depreciation method) là phương pháp trích khấu hao mà mức khấu hao hàng năm không thay đổi trong suốt thời gian hữu ích của tài sản cố định. Việc tính khấu hao và phân bổ đòi hỏi phải ước tính được thời gian sử dụng hữu ích và giá trị còn lại của tài sản (residual value)
-
Phương pháp khấu hao nhanh (accelerated depreciation method) là phương pháp phân bổ tỷ trọng chi phí lớn hơn cho những năm đầu của thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, thích hợp đối với nhà máy hoặc thiết bị được dự kiến sẽ hao mòn hết nhanh hơn trong những năm đầu.
-
Phương pháp số dư giảm dần kép (double-declining balance method) là phương pháp khấu hao nhanh thường được sử dụng trong đó chi phí khấu hao được ghi nhận với tốc độ gấp 2 lần so với phương pháp khấu hao đường thẳng (Straight-line method). Trong phương pháp này, giá trị hữu ích còn lại không có trong công thức tính khấu hao số dư giảm dần. Khi giá trị ghi sổ của tài sản đạt đến giá trị hữu ích còn lại, thì không có chi phí khấu hao bổ sung nào được ghi nhận.
3. Ý nghĩa của các lựa chọn ghi nhận chi phí đối với phân tích tài chính
Việc ghi nhận chi phí yêu cầu một số ước tính (estimates). Vì có liên quan đến các ước tính, các công ty có thể trì hoãn hoặc đẩy nhanh việc ghi nhận chi phí. Việc ghi nhận chi phí bị hoãn lại làm tăng thu nhập ròng hiện tại và từ đó sẽ cho một kết quả tích cực hơn.
Các nhà phân tích tài chính nên:
-
Xem xét các lý do cơ bản dẫn đến việc thay đổi ước tính chi phí.
-
So sánh ước tính của một công ty với ước tính của các công ty khác trong cùng ngành của công ty đó.
[LOS 2.c] Tìm hiểu về cách xử lý báo cáo tài chính, phân tích các hạng mục không thường xuyên và thay đổi trong chính sách kế toán
1. Cách xử lý báo cáo tài chính và phân tích các hạng mục hoạt động không định kỳ
1.1. Các hạng mục bất thường hoặc không thường xuyên (Unusual or infrequent items)
Định nghĩa: Các sự kiện có bản chất bất thường hoặc không thường xuyên xảy ra. Ví dụ về các mặt hàng có thể được coi là bất thường hoặc không thường xuyên bao gồm:
-
Lãi hoặc lỗ từ việc bán tài sản hoặc một phần hoạt động kinh doanh, nếu những hoạt động này không phải là hoạt động thông thường của công ty.
-
Sai sót, xóa sổ hay chi phí tái cấu trúc.
Phương hướng xử lý: Các khoản bất thường hoặc không thường xuyên xảy ra được ghi nhận thành một khoản riêng biệt trong thu nhập từ hoạt động liên tục (income from continuing operations) và được báo cáo trước thuế.
Ý nghĩa phân tích: Xem xét để xác định xem đó có thực sự nên được đưa vào dự báo thu nhập của công ty trong tương lai hay không. Một số công ty thường hay có xu hướng dễ xảy ra tai nạn và thua lỗ “bất thường hoặc không thường xuyên” hàng năm hoặc vài năm một lần.
1.2. Các hạng mục ngừng hoạt động (Discontinued operation)
Định nghĩa: Hạng mục ngừng hoạt động là hoạt động mà Ban Giám đốc đã quyết định loại bỏ, nhưng vẫn chưa thực hiện hoặc đã loại bỏ trong năm hiện tại sau khi hoạt động đó đã tạo ra thu nhập hoặc thua lỗ.
Phương hướng xử lý:
-
Để đủ điều kiện trở thành hạng mục ngừng hoạt động, tài sản, kết quả hoạt động, các hoạt động đầu tư và tài trợ của một bộ phận kinh doanh phải được tách biệt với các bộ phận kinh doanh khác của công ty.
-
Bất kỳ khoản thu nhập hoặc xử lý nào sẽ không đóng góp vào thu nhập và dòng tiền trong tương lai, do đó chỉ có thể được báo cáo sau khi thanh lý.
Ý nghĩa phân tích: Các nhà phân tích có thể loại trừ các hoạt động đã ngừng hoạt động khi dự báo thu nhập trong tương lai. Tuy nhiên, sự kiện thực tế về việc ngừng hoạt động kinh doanh hoặc bán tài sản có thể cung cấp thông tin về dòng tiền trong tương lai của công ty.
2. Mô tả việc xử lý báo cáo tài chính và phân tích các thay đổi trong chính sách kế toán
2.1. Thay đổi các chính sách kế toán (Accounting policies)
Định nghĩa: Thay đổi chính sách kế toán là sự thay đổi các nguyên tắc, cơ sở, quy ước, quy tắc và thông lệ cụ thể được đơn vị áp dụng trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính.
Phương hướng xử lý: Áp dụng phương pháp điều chỉnh hồi tố (retrospective application), phải điều chỉnh lại báo cáo tài chính năm trước của công ty và trình bày lại. Áp dụng chính sách mới cho các báo cáo đó cũng như các báo cáo trong tương lai.
Ý nghĩa phân tích: Các điều chỉnh cho kỳ trước thường liên quan đến các chuẩn mực kế toán mới và thường không ảnh hưởng đến dòng tiền. Chuyên viên phân tích cần xem xét các thay đổi trong chính sách kế toán để xác định ảnh hưởng của chúng đến kết quả hoạt động trong tương lai.
2.2. Thay đổi các ước tính kế toán (Accounting estimates)
Định nghĩa: Thay đổi các ước tính kế toán là kết quả của việc thay đổi cách nhìn nhận của Ban Giám đốc, thường là do có thông tin mới.
Phương hướng xử lý: Áp dụng phương pháp điều chỉnh phi hồi tố (prospective application), các báo cáo trước đó không phải trình bày lại và các chính sách mới chỉ được áp dụng cho các báo cáo tài chính trong tương lai.
Ý nghĩa phân tích: Các thay đổi ước tính kế toán thường không ảnh hưởng đến dòng tiền. Chuyên viên phân tích nên xem xét các thay đổi trong ước tính kế toán để xác định ảnh hưởng của chúng đến kết quả hoạt động trong tương lai.
Bảng tổng hợp phương pháp ghi nhận của một vài hạng mục theo chuẩn mực US GAAP/IFRS
Các hạng mục bất thường hoặc không thường xuyên (Unusual or infrequent items) |
Trình bày trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh như một bộ phận riêng biệt của thu nhập từ hoạt động liên tục. |
Ghi nhận trước thuế |
|
Hạng mục ngừng hoạt động (Discontinued operation) |
Trình bày trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh như một bộ phận riêng biệt sau thu nhập từ hoạt động liên tục. |
Ghi nhận sau thuế |
|
Thay đổi các chính sách kế toán (Change in accounting policies) |
Điều chỉnh lại báo cáo kết quả kinh doanh của năm trước |
Thay đổi các ước tính kế toán (Change in accounting estimates) |
Không trình bày lại báo cáo kết quả kinh doanh của năm trước |
[Pre.ii] So sánh giữa các thành phần hoạt động và không hoạt động của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Hoạt động kinh doanh (Operating activities) là những hoạt động thường liên quan đến sản xuất, cung cấp hàng hóa và cung cấp dịch vụ (hoạt động kinh doanh thông thường).
Hoạt động phi kinh doanh (Non-operating activities) là những hoạt động không thuộc quy trình kinh doanh thông thường của công ty.
Lưu ý: Khoản mục hoạt động phi kinh doanh được báo cáo riêng biệt với khoản mục hoạt động kinh doanh vì chúng có thể ảnh hưởng đến phân tích tài chính.
Các trường hợp đặc biệt và phương pháp ghi nhận kế toán đối với các hạng mục hoạt động phi kinh doanh (non-operating items) được trình bày trong bảng sau:
Lãi/Lỗ do thanh lý TSCĐ |
Được ghi nhận là một hoạt động bất thường hoặc không thường xuyên (unusual or infrequent), nhưng vẫn là một phần của hoạt động kinh doanh (operating activities). |
Chi phí lãi vay/ Thu nhập từ hoạt động đầu tư |
Đối với công ty dịch vụ tài chính (financial service company): Thuộc hạng mục hoạt động kinh doanh của công ty. |
Đối với công ty không kinh doanh dịch vụ tài chính (non-financial service company): Không thuộc hạng mục hoạt động kinh doanh của công ty. |
|
Chi phí tái cấu trúc |
Theo chuẩn mực US GAAP: Thuộc hạng mục hoạt động kinh doanh. Theo chuẩn mực IFRS: Không thuộc hạng mục hoạt động kinh doanh. |
[LOS 2.d] Tìm hiểu về cách tính thu nhập trên mỗi cổ phiếu, cấu trúc vốn đơn giản và phức tạp
1. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS)
Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đề cập đến phần thu nhập ròng của một công ty chỉ thuộc sở hữu của các cổ đông phổ thông.
2. Cấu trúc vốn đơn giản và phức tạp
Một công ty có thể có cấu trúc vốn đơn giản hoặc phức tạp:
-
Cấu trúc vốn đơn giản: Khi công ty không phát hành công cụ tài chính có khả năng chuyển đổi.
-
Cấu trúc vốn phức tạp: Khi công ty phát hành bất kỳ công cụ tài chính nào có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông: trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi, quyền chọn mua cổ phiếu cho nhân viên và chứng quyền.
Công cụ tài chính có khả năng chuyển đổi cung cấp cho nhà đầu tư quyền chuyển đổi thành cổ phiếu. Việc nhà đầu tư có quyết định chuyển đổi sang cổ phiếu thường hay không sẽ ảnh hưởng tới EPS được tính.
-
Khi chúng ta xác định một chứng khoán bị pha loãng (dilutive), điều đó có nghĩa là chi phí cơ hội để chuyển đổi là nhỏ nên NĐT ưu tiên thực hiện quyền chuyển đổi. Điều này sẽ làm giảm EPS, công ty báo cáo EPS pha loãng. Khi đó ta có: EPS cơ bản > EPS pha loãng
-
Khi chúng ta xác định một chứng khoán chống pha loãng (antidilutive), điều đó có nghĩa là chi phí cơ hội để thực hiện quyền chuyển đổi là lớn nên NĐT không muốn thực hiện quyền chuyển đổi đó. Điều này sẽ không làm giảm EPS và khi đó ta sẽ có: EPS cơ bản = EPS pha loãng
3. Cách tính thu nhập trên mỗi cổ phiếu cơ bản (basic EPS)
EPS cơ bản là số thu nhập dành cho cổ đông phổ thông chia cho bình quân gia quyền số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong một thời kỳ. Mức thu nhập dành cho cổ đông phổ thông là số thu nhập ròng còn lại sau khi cổ tức ưu đãi (nếu có) đã được trả. Do đó, công thức để tính EPS cơ bản là:
Trong cách tính EPS cơ bản, chúng ta sẽ cần chú ý đến 2 trường hợp đặc biệt:
Trường hợp phát hành cổ phiếu mới (new issuance):
Cổ phiếu phát hành mới được tính từ ngày phát hành.
Trường hợp chia tách cổ phiếu (stock split) và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (stock dividend):
Chia tách cổ phiếu hay trả cổ tức bằng cổ phiếu được áp dụng cho tất cả các cổ phiếu đang lưu hành trước khi chia hoặc cổ tức; và cho các cổ phiếu bình quân gia quyền đầu kỳ.
Việc chia tách cổ phiếu hay điều chỉnh cổ tức bằng cổ phiếu không được áp dụng cho bất kỳ cổ phiếu nào được phát hành hoặc mua lại sau ngày chia tách hoặc trả cổ tức.
4. So sánh chứng khoán pha loãng và chống pha loãng, mô tả ý nghĩa của từng cách tính thu nhập trên mỗi cổ phiếu
Theo định nghĩa, EPS pha loãng luôn bằng hoặc nhỏ hơn EPS cơ bản. Các phần dưới đây mô tả ảnh hưởng của ba loại công cụ tài chính có khả năng pha loãng EPS: cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi, trái phiếu có thể chuyển đổi; quyền chọn mua cổ phiếu của nhân viên và chứng quyền.
Cách tính EPS pha loãng:
4.1. Cách tính EPS pha loãng trong trường hợp cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi
Khi cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi được chuyển đổi, nhà đầu tư từ bỏ cổ tức ưu đãi cố định và nhận được lợi ích từ việc nắm giữ cổ phiếu phổ thông.
Nếu cổ tức ưu đãi cao → Chi phí cơ hội để chuyển đổi là lớn → Nhà đầu tư không thực hiện quyền chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi. Đây chính là trường hợp EPS chống pha loãng (antidilutive).
Trong thực tế:
-
Nếu EPS pha loãng < EPS cơ bản → Cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi có tính chất pha loãng → Lấy giá trị tính toán của EPS pha loãng.
-
Nếu EPS pha loãng > EPS cơ bản → Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi có tính chất chống pha loãng → EPS pha loãng = EPS cơ bản.
-
Cách nhanh chóng để kiểm tra xem cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi có bị pha loãng hay không bị pha loãng như sau. Nếu:
→ Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi là có tính chất pha loãng và ngược lại.
4.2. Cách tính EPS pha loãng trong trường hợp trái phiếu có thể chuyển đổi
Khi trái phiếu chuyển đổi được chuyển đổi, các nhà đầu tư từ bỏ khoản lãi cố định của việc nắm giữ trái phiếu và nhận được lợi ích từ việc nắm giữ cổ phiếu phổ thông.
Nếu lãi cao → Chi phí cơ hội chuyển đổi lớn → Các nhà đầu tư không thực hiện quyền chuyển đổi các khoản nợ đó. Như vậy, đây chính là trường hợp EPS chống pha loãng.
Trong thực tế:
-
Nếu EPS pha loãng < EPS cơ bản → Trái phiếu chuyển đổi có tính chất pha loãng → Lấy giá trị tính toán của EPS pha loãng.
-
Nếu EPS pha loãng > EPS cơ bản → Trái phiếu có thể chuyển đổi có tính chất chống pha loãng → EPS pha loãng = EPS cơ bản.
-
Cách nhanh chóng để kiểm tra xem trái phiếu chuyển đổi có bị pha loãng hay không bị pha loãng như sau. Nếu:
→ Trái phiếu chuyển đổi là bị pha loãng và ngược lại.
4.3. Cách tính EPS pha loãng trong trường hợp quyền chọn mua cổ phiếu của nhân viên và chứng quyền
Sau khi quyền chọn mua cổ phiếu và chứng quyền được chuyển đổi, nhà đầu tư mua cổ phiếu phổ thông tại giá thực hiện.
Nếu giá thực hiện quyền chọn cao hơn giá cả thị trường → Sẽ không có lợi khi nhà đầu tư thực hiện quyền chọn → Quyền chọn không bị loại trừ và đây chính là trường hợp EPS chống pha loãng.
Trong thực tế:
-
Khi Giá cả thị trường > Giá thực hiện tức là quyền chọn mua cổ phiếu và chứng quyền bị pha loãng và lấy giá trị tính toán của EPS pha loãng.
-
Khi Giá cả thị trường < Giá thực hiện tức là quyền chọn mua cổ phiếu và chứng quyền có tính chất chống pha loãng và EPS pha loãng = EPS cơ bản.
[LOS 2.e] Chuyển hóa báo cáo kết quả kinh doanh thành báo cáo kết quả kinh doanh theo tỷ trọng và đánh giá năng lực tài chính của công ty bằng cách sử dụng báo cáo kết quả kinh doanh theo tỷ trọng và các tỷ số tài chính dựa trên báo cáo kết quả kinh doanh
1. Báo cáo kết quả kinh doanh theo tỷ trọng
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng liên quan đến việc xác định mỗi khoản mục trên báo cáo kết quả kinh doanh chiếm bao nhiêu phần trăm của doanh thu. Tỷ trọng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giúp so sánh BCTC trong các khoảng thời gian khác nhau với quy mô công ty khác nhau.
|
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh |
Tỷ trọng |
Doanh thu |
10,000,000 |
100% |
Giá vốn hàng bán |
3,000,000 |
30% |
Lợi nhuận thuần |
7,000,000 |
70% |
Chi phí bán hàng, chi phí chung và chi phí quản lý doanh nghiệp |
1,000,000 |
10% |
Chi phí nghiên cứu và phát triển |
2,000,000 |
20% |
Chi phí quảng cáo |
2,000,000 |
20% |
Lợi nhuận hoạt động |
2,000,000 |
20% |
2. Đánh giá năng lực tài chính của công ty bằng cách sử dụng báo cáo kết quả kinh doanh theo tỷ trọng và các tỷ số tài chính dựa trên báo cáo kết quả kinh doanh
2.1. Tỷ suất lợi nhuận gộp (Gross profit margin)
Công thức: Tỷ suất lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp/ Doanh thu
-
Tỷ suất lợi nhuận gộp có thể được tăng lên bằng cách tăng giá bán hoặc giảm chi phí sản xuất.
-
Nên được so sánh theo thời gian và với các công ty cùng ngành.
2.2. Tỷ suất lợi nhuận ròng (Net profit margin)
Công thức: Tỷ suất lợi nhuận ròng = Lợi nhuận ròng/ Doanh thu
-
Tỷ suất lợi nhuận ròng đo lường lợi nhuận được tạo ra sau khi xem xét tất cả các chi phí.
-
Giống như tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận ròng phải được so sánh theo thời gian và với các công ty cùng ngành.
[Pre.iii] Mô tả, tính toán và giải thích về tổng thu nhập toàn diện
1. Tổng thu nhập toàn diện (Comprehensive income)
Theo tiêu chuẩn IFRS và US GAAP, tổng thu nhập toàn diện là sự thay đổi vốn chủ sở hữu trong một thời kỳ do kết quả của các giao dịch và các sự kiện khác từ các nguồn không phải của chủ sở hữu.
Công thức:
Tổng thu nhập toàn diện (Comprehensive income)
= Lợi nhuận ròng (Net Income) + Thu nhập toàn diện khác (Other comprehensive income)
2. Thu nhập toàn diện khác (Other comprehensive income)
Thu nhập toàn diện khác bao gồm 4 loại thu nhập/chi phí:
-
Điều chỉnh về quy đổi ngoại tệ (Foreign currency translation adjustments). Khi hợp nhất báo cáo tài chính của các công ty con nước ngoài, ảnh hưởng của việc quy đổi tài sản và nợ phải trả trong bảng cân đối kế toán của công ty con theo tỷ giá hối đoái hiện tại được tính vào thu nhập toàn diện khác.
-
Lãi/Lỗ chưa thực hiện trên hợp đồng phái sinh (Unrealized gains or losses on derivatives contracts) được xem là các khoản bảo hiểm rủi ro. Những thay đổi về giá trị hợp lý của các công cụ phái sinh được ghi nhận theo từng thời kỳ, nhưng có những thay đổi của một số công cụ phái sinh nhất định (những công cụ được coi là phòng ngừa rủi ro) lại được coi là thu nhập toàn diện khác và do đó không ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
-
Lãi/Lỗ nắm giữ chưa thực hiện (Unrealized holding gains and losses) đối với một loại chứng khoán đầu tư nhất định, cụ thể là chứng khoán sẵn sàng để bán (available-for-sale securities).
-
Một số chi phí nhất định của quỹ lương hưu (defined benefit post-retirement plans) của một công ty không được ghi nhận trong giai đoạn hiện tại.