Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về Module 3 môn DER của chương trình CFA level I
I. Mô tả lợi ích và rủi ro của các công cụ phái sinh
1. Lợi ích của công cụ phái sinh
-
Phân bổ, chuyển giao và quản lý rủi ro:
Các công cụ phái sinh cho phép các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro mà không cần tham gia giao dịch ở thị trường giao ngay cho tài sản cơ sở. Bên cạnh đó, các công cụ phái sinh giúp cải thiện việc phân bổ rủi ro trong các thị trường do những bên không có nhu cầu tiếp xúc với một rủi ro cụ thể có thể chuyển rủi ro đó cho những bên có nhu cầu.
-
Cung cấp thông tin:
Một số dạng hợp đồng phái sinh cung cấp chỉ báo về hướng thay đổi giá của tài sản cơ sở.
Ví dụ: Giá hợp đồng tương lai của S&P là một chỉ báo tốt về mức giá trị chỉ số mà thị trường chứng khoán sẽ thực sự mở cửa khi phiên giao dịch mới bắt đầu.
Vì các giao dịch phái sinh yêu cầu mức vốn đầu vào ít hơn nên đôi khi thông tin có thể được phản ánh trong giá phái sinh nhanh hơn so với giá giao ngay. Hơn nữa, một số công cụ phái sinh (ví dụ: quyền chọn) có thể được sử dụng để thực hiện các chiến lược giao dịch mà không thể thực hiện được chỉ với mỗi tài sản cơ sở. Bên cạnh đó, giá thị trường quyền chọn có thể được sử dụng để suy ra sự biến động hàm ý (implied volatility), từ đó sử dụng cho mục đích đo lường rủi ro của tài sản cơ sở.
-
Lợi ích trong giao dịch:
Các công cụ phái sinh đòi hỏi chi phí giao dịch thấp hơn so với chi phí của các giao dịch trên thị trường giao ngay. Bên cạnh đó, các thị trường phái sinh thường có tính thanh khoản cao hơn so với các thị trường giao ngay của tài sản cơ sở.
Các công cụ phái sinh cho phép nhà đầu tư có thể tham gia vị thế bán (short position) trên tài sản cơ sở một cách dễ dàng tương tự như khi tham gia vị thế mua (long position). Với một số tài sản cơ sở (ví dụ: hàng hóa), việc bán khống thường khó khăn hơn nhiều để thực hiện trên thị trường giao ngay.
Các công cụ phái sinh cho phép nhà đầu tư tham gia vào các giao dịch sử dụng đòn bẩy cao. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra lượng tiền đầu tư ban đầu khá nhỏ để tham gia vị thế của công cụ phái sinh so với khoản đầu tư ban đầu khá lớn khi trực tiếp nắm giữ vị thế của tài sản cơ sở.
-
Hiệu quả thị trường:
Khi giá tài sản lệch khỏi giá trị cơ bản của chúng, thị trường phái sinh cung cấp một phương pháp ít tốn kém hơn để tận dụng việc định giá sai cho mục đích kiếm lời vì cần ít vốn hơn, chi phí giao dịch thấp hơn và việc bán khống dễ dàng hơn. Việc nhà đầu tư có khả năng phòng vệ các rủi ro khác nhau thông qua các công cụ phái sinh làm tăng sự sẵn sàng giao dịch của những người tham gia thị trường và cải thiện tính thanh khoản trên thị trường.
2. Rủi ro của công cụ phái sinh
-
Đòn bẩy tiềm ẩn (Implicit leverage):
Đòn bẩy cao hơn so với cổ phiếu và các tài sản khác, làm tăng rủi ro thanh toán, tín dụng và vỡ nợ cho các nhà đầu tư phái sinh.
Sự không minh bạch của các chứng khoán có cấu trúc đặc biệt có thể khiến rủi ro trở nên nghiêm trọng hơn.
-
Thiếu minh bạch (Lack of transparency):
Các công cụ phái sinh làm tăng thêm độ phức tạp của danh mục đầu tư và có thể tạo ra rủi ro mà các bên liên quan không hiểu rõ.
-
Rủi ro cơ bản (Basis risk):
Rủi ro cơ bản phát sinh khi tài sản cơ sở của phái sinh khác vị thế được phòng vệ bởi phái sinh.
Ví dụ: Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với giá trị thị trường ở mức nhỏ lẻ, nhưng trên sàn chứng khoán đang giao dịch các hợp đồng tương lai/hợp đồng kỳ hạn dựa trên tài sản cơ sở là các cổ phiếu với giá trị thị trường lớn. Do đó sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư nếu muốn sử dụng công cụ phái sinh để giảm thiểu rủi ro nắm giữ loại cổ phiếu mà thị trường phái sinh không giao dịch.
Bên cạnh đó rủi ro cơ bản cũng bắt nguồn từ việc thời hạn đầu tư khác ngày thanh toán của phái sinh.
-
Rủi ro thanh khoản (Liquidity risk):
Công cụ phái sinh có rủi ro thanh khoản khi dòng tiền của công cụ phái sinh phòng vệ không khớp với dòng tiền từ vị thế của nhà đầu tư.
-
Rủi ro tín dụng đối tác (Counterparty credit risk):
Rủi ro tín dụng đối tác là rủi ro phát sinh từ khả năng đối tác có thể không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán được số tiền trong giao dịch phái sinh.
-
Rủi ro hệ thống (Systemic risk):
Chấp nhận đầu tư với mức rủi ro cao và sử dụng đòn bẩy trong các thị trường phái sinh có thể góp phần tạo nên khủng hoảng thị trường, ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
II. So sánh mục đích sử dụng chứng khoán phái sinh giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư
Với tổ chức phát hành: Công cụ phái sinh giúp bù đắp hoặc phòng ngừa rủi ro thị trường liên quan đến hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính của họ
Với nhà đầu tư: Công cụ phái sinh giúp:
-
Mô phỏng chiến lược đầu tư (được mô tả chi tiết ở module 4)
-
Phòng ngừa rủi ro cho giá trị của vốn đầu tư trước những biến động bất lợi của tài sản cơ sở
-
Chỉnh sửa/Thêm quyền sở hữu tài sản mà trong một số trường hợp không có sẵn trên thị trường tiền mặt.
1. Công dụng của phái sinh đối với doanh nghiệp phát hành
Tình huống |
Công dụng của phái sinh |
Một doanh nghiệp có thu nhập từ nước ngoài. |
Phòng vệ rủi ro tỷ giá bằng hợp đồng kỳ hạn để làm mềm thu nhập (smooth earnings) được báo cáo bằng đồng nội tệ. |
Một doanh nghiệp có thể sử dụng giá trị hợp lý (fair value) cho khoản nợ có lãi suất cố định, và giá trị đó có thể thay đổi khi lãi suất thay đổi. |
Bằng cách tham gia vào hợp đồng hoán đổi lãi suất dưới vị thế trả lãi suất thả nổi, doanh nghiệp đã chuyển đổi nợ lãi suất cố định sang nợ lãi suất thả nổi với thời hạn (duration) ngắn hơn → Giá trị trên bảng cân đối kế toán ít nhạy cảm hơn với thay đổi lãi suất. |
Một doanh nghiệp với sản phẩm có đặc tính là hàng hóa có thể mang giá trị tương đương giá trị thị trường, dẫn đến sự thay đổi về giá trị trong bảng cân đối kế toán khi có thay đổi trong giá thị trường. |
Bằng cách bán hợp đồng kỳ hạn có tài sản cơ sở giống với hàng hóa mà doanh nghiệp đang kinh doanh, doanh nghiệp sẽ ghi nhận phần lãi hoặc lỗ từ hợp đồng kỳ hạn mà bù đắp cho sự giảm hoặc tăng giá trị hàng tồn kho được báo cáo. |
Kế toán phòng vệ (Hedge accounting):
Các quy tắc kế toán có thể có thể đề cập đến kế toán phòng vệ, cụ thể cho phép các doanh nghiệp ghi nhận lãi và lỗ của công cụ phái sinh đủ điều kiện, đồng thời ghi nhận những thay đổi tương ứng về giá trị của tài sản hoặc nợ phải trả được phòng ngừa rủi ro.
Doanh nghiệp phát hành phòng vệ khỏi ảnh hưởng của việc thay đổi về giá hoặc giá trị của tài sản cơ sở trong phái sinh, được chia ra làm 3 loại dựa vào mục đích:
-
Phòng vệ dòng tiền (Cash flow hedge).
-
Phòng vệ giá trị hợp lý (Fair value hedge).
-
Phòng vệ khoản đầu tư ròng (Net investment hedge).
2. Công dụng của phái sinh đối với nhà đầu tư
Nhà đầu tư có thể phòng vệ, điều chỉnh hoặc tăng mức độ tiếp cận với rủi ro của một tài sản cơ sở hoặc lãi suất với vị thế phái sinh, có thể bằng cam kết kỳ hạn (forward commitment) hoặc cam kết tùy chọn (contingent claim).