[Level 1] Financial Statement Analysis

[Tóm tắt kiến thức quan trọng] Prerequisite reading: Applications of financial statement analysis

Bài viết cung cấp cho người đọc kiến thức về nội dung Applications of financial statement analysis trong môn FSA của chương trình CFA level I

[Pre.i] Đánh giá năng lực tài chính trong quá khứ của công ty và giải thích cách chiến lược của công ty được phản ánh trên hiệu suất tài chính trong quá khứ

Phân tích tài chính cần tập trung vào:

  • Những thay đổi quan trọng đã xảy ra trong việc đo lường lợi nhuận, hiệu quả, tính thanh khoản và khả năng thanh toán của công ty và lý do đằng sau những thay đổi này.

  • So sánh các tỷ số tài chính của công ty với các công ty khác trong cùng ngành và lý do đằng sau bất kỳ sự khác biệt nào.

  • Nghiên cứu các khía cạnh của kết quả hoạt động mang tính quan trọng để doanh nghiệp có thể thành công cạnh tranh trong ngành, và đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên các yếu tố đó so với đối thủ.

  • Mô hình và chiến lược kinh doanh của công ty và cách chúng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của công ty, chẳng hạn như tăng trưởng doanh số bán hàng, hiệu quả và lợi nhuận.

Ví dụ: Chiến lược và hiệu quả tài chính của một công ty

Các hãng hàng không giá rẻ như Southwest tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận thông qua khối lượng lớn với tỷ suất lợi nhuận thấp. Những hãng hàng không khác như Silverjet (một hãng hàng không hạng thương gia độc quyền) chỉ phục vụ khách hàng cao cấp.

Mặc dù sản lượng bán hàng của Silverjet (tính theo đơn vị) sẽ thấp hơn đáng kể so với Southwest’s, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp của Silverjet sẽ cao hơn vì nó cung cấp dịch vụ cao cấp.

 

[Pre.ii] Trình bày nội dung về dự phóng lợi nhuận sau thuế và dòng tiền của công ty

Bước 1. Dự phóng doanh thu bán hàng

Phương pháp tiếp cận từ trên xuống (top down): Tăng trưởng GDP → Tăng trưởng doanh số bán hàng của ngành (sử dụng mô hình hồi quy) → Doanh thu bán hàng của công ty (phân tích thị phần).

Bước 2. Sử dụng mô hình để dự phóng thu nhập ròng từ doanh thu

  • Mô hình dự phóng đơn giản: Sử dụng dữ liệu trung bình trong quá khứ rồi kết hợp với công cụ đo lường khả năng sinh lời (được điều chỉnh theo xu hướng) để dự phóng tỷ suất lợi nhuận hoạt động, tỷ suất lợi nhuận trước thuế hoặc tỷ suất lợi nhuận ròng và từ đó dự phóng thu nhập.

  • Mô hình dự phóng phức tạp: Từng khoản mục trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Bảng cân đối kế toán có thể được ước tính dựa trên các giả định riêng biệt.

Bước 3. Đưa ra giả định về các nguồn tiền và việc sử dụng tiền mặt trong tương lai

Các giả định nên được áp dụng đối với:

  • Khoản tăng bắt buộc đối với vốn lưu động

  • Chi phí vốn cho tài sản cố định mới

  • Trả nợ và phát hành nợ

  • Mua lại và phát hành cổ phiếu (VCSH).

Bước 4. Dự phóng Dòng tiền

Dự phóng dòng tiền dựa trên các giả định được thực hiện ở bước 3.

 

[Pre.iii] Mô tả vai trò của phân tích báo cáo tài chính trong việc đánh giá chất lượng tín dụng của một khoản đầu tư nợ tiềm năng

1. Rủi ro tín dụng (Credit risk)

Rủi ro tín dụng là rủi ro mất mát do đối tác hoặc bên đi vay không thực hiện được khoản thanh toán đã cam kết.

 

2. Phân tích tín dụng (Credit analysis)

Phân tích tín dụng liên quan đến việc đánh giá “4C” của một công ty.

  • Đặc điểm (Character): Đề cập đến chất lượng quản lý của công ty.

  • Tài sản thế chấp (Collateral): Đề cập đến các tài sản được cầm cố để đảm bảo một khoản vay.

  • Khả năng (Capacity): Đề cập đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành.

  • Giao ước (Covenants): Những hạn chế đối với hoạt động của tổ chức phát hành.

 

3. Các yếu tố cần xem xét khi tiến hành phân tích tín dụng

Các tổ chức xếp hạng tín dụng như Moody’s và Standard and Poor’s sử dụng các công thức giá trị trung bình có trọng số của một số tỷ lệ kế toán cụ thể và các đặc điểm kinh doanh. Các yếu tố cần xem xét bao gồm:

  • Quy mô và đa dạng hóa: Các công ty lớn hơn thường có khả năng thương thảo đáng kể trong các cuộc đàm phán với nhà cung cấp và người cho vay. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa trong hoạt động kinh doanh cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng các hoạt động đó để bù đắp cho nhau → Rủi ro tín dụng thấp hơn.

  • Hiệu quả hoạt động: Doanh nghiệp có tỷ suất sinh lợi trên tài sản cao hơn → Rủi ro tín dụng thấp hơn.

  • Tính ổn định của tỷ suất lợi nhuận: Tỷ suất lợi nhuận cao và bền vững cho thấy khả năng hoàn trả cao hơn → Rủi ro tín dụng thấp.

  • Đòn bẩy: Tỷ lệ dòng tiền tự do trên tổng nợ và chi phí lãi vay cao → Rủi ro tín dụng thấp.

 

[Pre.iv] Mô tả việc sử dụng phân tích BCTC trong việc sàng lọc các khoản đầu tư cổ phiếu tiềm năng.

1. Định nghĩa về sàng lọc

Sàng lọc (Screening) là quá trình lọc một tập hợp các khoản đầu tư tiềm năng thành một tập hợp nhỏ hơn (với một số đặc điểm mong muốn nhất định) bằng cách áp dụng một bộ tiêu chí.

  • Phân tích từ trên xuống (Top-down analysis) liên quan đến việc xác định các phân khúc địa lý và ngành hấp dẫn, sau đó chọn các khoản đầu tư hấp dẫn nhất từ chúng.

  • Phân tích từ dưới lên (Bottom-up analysis) liên quan đến việc lựa chọn các khoản đầu tư cụ thể trong một lĩnh vực đầu tư nào đó.

 

2. Ứng dụng của sàng lọc

Sàng lọc có thể được sử dụng bởi các nhà đầu tư tăng trưởng (tập trung đầu tư vào các công ty có mức tăng trưởng thu nhập cao), các nhà đầu tư giá trị (mong muốn trả giá cổ phiếu tương đối thấp so với thu nhập hoặc tài sản trên mỗi cổ phiếu) và các nhà đầu tư định hướng thị trường (không phân loại là nhà đầu tư tăng trưởng hay nhà đầu tư giá trị giá trị).

  • Các nhà đầu tư tăng trưởng (Growth investors) sử dụng các tiêu chí sàng lọc như tốc độ tăng trưởng thu nhập và/hoặc đà tăng thu nhập đang tăng.

  • Các nhà đầu tư giá trị (Value investors) thiết lập các sàng lọc như ROE cao hơn trung bình và tỷ lệ P/E thấp hơn trung bình.

 

3. Hạn chế của sàng lọc

Sàng lọc vốn chủ sở hữu có thể sẽ bao gồm và loại trừ nhiều hoặc tất cả các công ty trong các ngành cụ thể.

 

4. Kiểm nghiệm lại (Backtesting)

Sử dụng một bộ tiêu chí cụ thể để sàng lọc dữ liệu lịch sử nhằm xác định cách danh mục đầu tư sẽ hoạt động như thế nào dựa trên các tiêu chí đó. Backtesting có một số hạn chế cụ thể như sau:

  • Thiên lệch sống sót (Survivorship bias): Nếu cơ sở dữ liệu được sử dụng trong backtesting loại bỏ các công ty không còn tồn tại do sáp nhập hoặc phá sản, thì các công ty còn lại nói chung sẽ hoạt động tốt hơn.

  • Thiên lệch tiên liệu (Look-ahead bias): Nếu một cơ sở dữ liệu bao gồm dữ liệu tài chính được cập nhật để sửa đổi thì sẽ có sự không khớp giữa những gì nhà đầu tư thực sự đã biết tại thời điểm quyết định đầu tư và thông tin được sử dụng trong backtesting.

  • Sai lệch do phụ thuộc quá nhiều vào việc khai thác dữ liệu (Data-snooping bias): Các nhà nghiên cứu xây dựng mô hình dựa trên phát hiện của các nhà nghiên cứu trước đó và sau đó sử dụng chính cơ sở dữ liệu đó để kiểm tra mô hình thực tế việc kiểm tra này không có ý nghĩa.

 

[Pre.v] Giải thích các điều chỉnh thích hợp của nhà phân tích đối với báo cáo tài chính của một công ty để tạo điều kiện so sánh với một công ty khác

1. Các điều chỉnh liên quan đến các khoản đầu tư

Các chứng khoán được ghi nhận thành nắm giữ để kinh doanh (held-for-trading), sẵn sàng để bán (available-for-sale), nắm giữ đến ngày đáo hạn (held-to-maturity). Những khác biệt này trong phân loại dẫn đến sự khác biệt đáng kể trong thu nhập ròng được báo cáo hoặc giá trị tài sản trên Bảng cân đối kế toán → Cần phải điều chỉnh thu nhập ròng và tài sản.

 

2. Các điều chỉnh liên quan đến hàng tồn kho

Công ty sử dụng phương pháp LIFO → Giá vốn hàng bán cao hơn, thu nhập thấp hơn và hàng tồn kho thấp hơn (khi chi phí tăng) → Điều chỉnh giá vốn hàng bán và hàng tồn kho từ phương pháp LIFO về giá trị tương đương FIFO bằng cách sử dụng LIFO reserve.

 

3. Các điều chỉnh liên quan đến bất động sản, nhà máy và thiết bị (PPE)

Sự khác biệt giữa phương pháp khấu hao, ước tính thời gian sử dụng hữu ích và ước tính giá trị thu hồi (salvage value) dẫn đến chênh lệch đáng kể trong thu nhập được báo cáo và giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán, do đó cần điều chỉnh lại.

Ví dụ: Một công ty thổi phồng trong việc sử dụng ước tính cao hơn về thời gian hữu ích của tài sản hoặc giá trị thu hồi của tài sản sẽ báo cáo chi phí khấu hao hàng năm thấp hơn và thu nhập ròng cao hơn, so với một công ty thận trọng hơn sử dụng ước tính về thời gian sử dụng hữu ích hoặc giá trị thu hồi thấp hơn.

 

4. Các điều chỉnh liên quan đến lợi thế thương mại (Goodwill)

Đối với các công ty đã phát triển thông qua việc mua lại một số đơn vị kinh doanh, nhà phân tích phải loại bỏ tác động thổi phồng của lợi thế thương mại trên giá trị sổ sách và dựa vào tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách hữu hình (price-to-tangible book value) để so sánh. Hai điều chỉnh cần được thực hiện dựa trên lợi thế thương mại:

  • Lợi thế thương mại cần được trừ khỏi tài sản khi tính toán các tỷ lệ tài chính.

  • Bất kỳ khoản chi phí nào trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh do suy giảm giá trị của lợi thế thương mại trong kỳ hiện tại sẽ được hoàn nhập, làm tăng thu nhập ròng được báo cáo.