[Level II] Corporate Issuers

[Tổng hợp các kiến thức cơ bản] Module 1: Phân tích cổ tức và mua lại cổ phần (Analysis of dividends and share repurchases) - Phần 1

Tổng hợp các kiến thức quan trọng, cần lưu ý khi học Module 1 môn Corporate Issuers trong chương trình CFA level 2

1. Các loại cổ tức

Cổ tức được chi trả dưới 2 dạng, tiền mặt và phi tiền mặt.

1.1. Cổ tức bằng tiền mặt

Cổ tức tiền mặt định kỳ (Regular cash dividends): Tiền mặt được phân phối cho các cổ đông theo lịch trình định kỳ, hàng quý, nửa năm hoặc hàng năm. Hầu hết các công ty trả cổ tức bằng tiền mặt đều cố gắng duy trì mức cổ tức hiện tại hoặc tăng cổ tức. Điều này thể hiện lợi nhuận ổn định của công ty và gửi đi tín hiệu rằng công ty đang phát triển và lợi nhuận sẽ được chia sẻ.

Cổ tức bổ sung/đặc biệt (không thường xuyên) (Extra/Special (Irregular) dividends): Là cổ tức được trả bởi một công ty không trả cổ tức theo lịch trình thường xuyên hoặc cổ tức bổ sung cho cổ tức bằng tiền mặt thông thường kèm theo một khoản thanh toán bổ sung. Vì vậy, cổ tức đặc biệt đôi khi được chọn làm phương tiện phân phối nhiều thu nhập hơn trong những năm có thu nhập cao.

Cổ tức thanh lý (Liquidating dividends): Là cổ tức được chi trả khi công ty:

  • Phá sản: Tài sản ròng được phân phối cho các cổ đồng

  • Bán một phần hoạt động kinh doanh để lấy tiền mặt: Tiền thu được sẽ được chia cho cổ đồng

  • Suy giảm vốn cổ đông: khi cổ tức > lợi nhuận tích lũy giữ lại

Vì vậy, cổ tức thanh lý là việc hoàn vốn chứ không phải là phân phối từ thu nhập hoặc lợi nhuận giữ lại.

1.2. Cổ tức phi tiền mặt

Cổ tức cổ phần (stock dividends): Công ty phân phối thêm cổ phiếu phổ thông cho các cổ đông thay vì tiền mặt.

  • Các ảnh hưởng của cổ tức cổ phần:

    • Số lượng cổ phiếu sở hữu tăng;

    • Tỷ lệ sở hữu không thay đổi;

    • Giảm chi phí trên mỗi cổ phiếu;

    • Tổng chi phí hoặc giá trị Cổ đông không thay đổi (không có lãi) → Không bị đánh thuế

  • Ưu điểm của cổ tức cổ phần:

    • Ưu tiên các nhà đầu tư dài hạn và giúp giảm chi phí vốn cổ phần của công ty;

    • Cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu, giảm bớt biến động giá;

    • Giúp giữ giá cổ phiếu trong phạm vi tối ưu hơn.

Chia tách cổ phiếu (Stock splits): Mỗi cổ đông sẽ được phát hành thêm cổ phiếu tương ứng với mỗi cổ phiếu đang sở hữu. Việc chia tách thường được công bố sau một khoảng thời gian mà giá cổ phiếu tăng lên.

→ Đưa giá cổ phiếu về mức giá thấp hơn, dễ bán hơn → Được xem là dấu hiệu tích cực cho khả năng tăng giá trong tương lai.

Ảnh hưởng của Chia tách cổ phiếu như sau:

  • EPS giảm đi 1 nửa

  • P/E, Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu (market value of equity), tỷ suất cổ tức (dividend yield) không thay đổi.

Chia tách cổ phiếu ngược (Reverse stock splits): Việc chia tách cổ phiếu ngược làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành và làm tăng giá cổ phiếu.

Ảnh hưởng của Chia tách cổ phiếu ngược như sau:

  • EPS tăng gấp đôi

  • P/E, Giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu (market value of equity), tỷ suất cổ tức (dividend yield) không thay đổi.

2. Lý thuyết về chính sách cổ tức (Dividend policy)

Lý thuyết

Diễn giải

Lý thuyết chính sách cổ tức không liên quan (Dividend irrelevance)

Cho rằng chính sách chi trả cổ tức không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty và chi phí sử dụng vốn do:

  • Quyết định trả cổ tức không bị ảnh hưởng bởi quyết định đầu tư và gọi vốn của doanh nghiệp
  • Cổ đông có thể tự tạo “homemade policy” bằng cách bán cổ tức họ có để chuyển thành tiền mặt hoặc mua thêm cổ tức bằng tiền mà tổng giá trị khoản đầu tư và tiền của họ không đổi.

Điều này chỉ áp dụng trong trường hợp thị trường hoàn hảo – không có thuế, chi phí môi giới và cổ tức có thể chia vô hạn

Lý thuyết Bird-in-hand

Cho rằng các khoản thanh toán cổ tức ở hiện tại ít rủi ro hơn lãi vốn tiềm năng trong tương lai. Vì vậy, giá trị kinh tế của việc tái đầu tư (của công ty) < giá trị kinh tế của cổ tức. Do đó, các công ty trả cổ tức sẽ có chi phí vốn cổ phần thấp hơn, dẫn đến giá cổ phiếu cao hơn.

Lý thuyết Tax argument

Góc nhìn về thuế lập luận rằng ở những quốc gia mà thu nhập từ cổ tức bị đánh thuế cao hơn thu nhập từ lãi vốn. Các nhà đầu tư chịu thuế sẽ muốn các công ty tái đầu tư thu nhập vào các cơ hội tăng trưởng sinh lời hoặc mua lại cổ phiếu để họ nhận được nhiều tiền lãi hơn dưới dạng lãi vốn.

Thực tế, với mỗi công ty áp dụng chính sách cổ tức khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của nhà đầu tư hoặc thị trường.

3. Các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách cổ tức

3.1. Cơ hội đầu tư

Cơ hội đầu tư ảnh hưởng đến thu nhập còn lại có thể trả dưới dạng cổ tức. Nếu một công ty phải đối mặt với nhiều cơ hội đầu tư sinh lời và phải phản ứng nhanh chóng để tận dụng các cơ hội (tức là không có thời gian để huy động vốn bên ngoài), tỷ lệ chi trả cổ tức có thể thấp.

3.2. Sự biến động dự kiến của thu nhập trong tương lai (Expected volatility of future earnings )

Các công ty thận trọng hơn trong việc thay đổi tỷ lệ chi trả cổ tức khi có biến động thu nhập cao. Thu nhập càng biến động thì rủi ro rằng mức tăng cổ tức nhất định có thể không được bù đắp bằng thu nhập trong khoảng thời gian tương lai càng lớn. Các nhà quản lý thích chia cổ tức đều đặn theo thời gian – cổ tức tăng theo tốc độ tăng trưởng thu nhập dài hạn.

3.3. Tính linh hoạt về tài chính (Financial flexibility)

Các công ty có thể không chia cổ tức để không bị buộc phải tiếp tục trả cổ tức trong tương lai và mất đi tính linh hoạt về tài chính. Thay vào đó, các công ty có thể chọn xử lý số tiền mặt dư thừa thông qua việc mua lại cổ phiếu. Tính linh hoạt về tài chính đặc biệt quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng khi tính thanh khoản cạn kiệt và khó có được tín dụng. Bởi vì việc mua lại cổ phần (shares repurchase) không tạo ra kỳ vọng cho mức chi trả cổ tức tương tự trong tương lai, việc mua lại cổ phần được các công ty ưa thích để duy trì sự linh hoạt về tài chính.

3.4. Cân nhắc về thuế (Tax considerations)

Khi có sự chênh lệch thuế suất giữa lãi vốn và cổ tức, các công ty có thể cơ cấu chính sách cổ tức của mình để tối đa hóa thu nhập sau thuế của nhà đầu tư. Theo lý thuyết, ở những quốc gia mà lãi vốn bị đánh thuế ở mức thuận lợi so với cổ tức, các nhà đầu tư có khung thuế cao (như một số cá nhân) thích trả cổ tức thấp và các nhà đầu tư có khung thuế thấp (như các tập đoàn và quỹ hưu trí) thích cổ tức cao. Tuy nhiên, thực tế như sau:

  • Nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu trả cao để vào tài khoản hưu trí được miễn thuế → Thuế đánh lên cổ tức không phải là vấn đề đáng lo ngại

  • Lãi vốn chỉ bị đánh thuế khi thực hiện, trong khi cổ tức nhận được sẽ bị đánh thuế trong năm → Thuế lãi vốn cao hơn không phải là vấn đề đáng lo ngại

  • Các tổ chức được miễn thuế → Không có thuế đối với cổ tức hoặc lãi vốn

Vì vậy, thuế suất đánh trên cổ tức so với lãi vốn không là vấn đề đáng lo ngại với các nhà đầu tư.

3.5. Chi phí phát hành (Flotation costs)

Chi phí phát hành bao gồm các khoản phí mà doanh nghiệp phải trả để có thể phát hành cổ phiếu, và bất cứ ảnh hưởng bất lợi của biến động giá thị trường bắt nguồn từ việc nguồn cung cổ phiếu đang lưu hành tăng lên.

Khi một công ty phát hành cổ phiếu mới, chi phí phát hành được lấy từ một phần vốn huy động được để trả cho các chủ ngân hàng đầu tư và các chi phí phát hành khác → Chi phí phát hành làm tăng chi phí vốn cổ phần kêu gọi bên ngoài so với việc sử dụng nguồn tiền tạo ra từ bên trong doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều công ty cố gắng tránh thiết lập mức cổ tức có thể tạo ra nhu cầu huy động vốn chủ sở hữu mới để tài trợ cho các dự án có NPV dương.

3.6. Các hạn chế từ hợp đồng và pháp lý (Contractual and legal restrictions)

Các hạn chế về mặt pháp lý ở một số khu vực pháp lý giới hạn việc chi trả cổ tức của một công ty.

  • Quy định về vốn: Yêu cầu pháp lý ở một số quốc gia quy định rằng cổ tức được trả không được vượt quá thu nhập giữ lại.

  • Các khế ước nợ: Nhiều khế ước đòi hỏi một công ty phải đáp ứng hoặc vượt quá một mục tiêu nhất định về tỷ lệ thanh khoản và tỷ lệ bao phủ lãi vay.

  • Cổ tức tích lũy trên cổ phiếu ưu đãi trước khi cổ phiếu phổ thông được thanh toán.

4. Hệ thống về thuế đối với lợi nhuận doanh nghiệp

4.1. Theo hệ thống đánh thuế hai lần (Double taxation)

Cổ tức bị đánh thuế ở cả cấp độ doanh nghiệp và cổ đông.

Effective tax rate = Corporate tax rate + (1 – Corporate tax rate) × Shareholder tax rate

(Thuế suất hiệu dụng = Thuế suất thu nhập doanh nghiệp + (1 – thuế suất thu nhập doanh nghiệp) × Thuế suất thu nhập cá nhân cổ đông)

4.2. Theo hệ thống quy thuế (Tax imputation)

Lợi nhuận doanh nghiệp được chia dưới dạng cổ tức chỉ bị đánh thuế 1 lần, tại mức thuế suất của cổ đông. Cổ đông nhận được khoản khấu trừ thuế đối với khoản thuế doanh nghiệp đã trả trên lợi nhuận doanh nghiệp, và chỉ phải trảsố thuế còn lại phải nộp.

Effective tax rate = Shareholder tax rate

(Thuế suất hiệu dụng = thuế suất thu nhập cá nhân cổ đông)

4.3. Theo hệ thống thuế suất chia tách (Split-rate taxation)

Lợi nhuận doanh nghiệp bị đánh thuế ở các mức khác nhau tùy thuộc vào việc lợi nhuận được giữ lại hay trả cổ tức. Nếu lợi nhuận được giữ lại, chỉ bị đánh thuế tại mức thuế suất doanh nghiệp thông thường. Nếu lợi nhuận được dùng để trả cổ tức, phần này sẽ bị đánh thuế tại mức thuế suất doanh nghiệp thấp hơn, và đánh thuế một lần nữa tại mức thuế suất của cổ đông.

Effective tax rate on dividend = Corporate tax rate + (1 – Corporate tax rate) × Shareholder tax rate

(Thuế suất hiệu dụng = Thuế suất thu nhập doanh nghiệp + (1 – thuế suất thu nhập doanh nghiệp) × Thuế suất thu nhập cá nhân cổ đông)

5. Các chính sách chi trả cổ tức

5.1. Chính sách cổ tức ổn định (Stable dividend policy)

Cổ tức được quyết định dựa trên dự báo dài hạn về thu nhập bền vững và tăng cổ tức khi thu nhập tăng lên mức cao bền vững. Chính sách này có thể được mô hình hóa như một quá trình điều chỉnh dần dần hướng tới tỷ lệ chi trả mục tiêu (target payout ratio) dựa trên thu nhập bền vững lâu dài.

Expected increase in dividend = (Expected earnings × Target payout ratio – Previous dividend) × Adjustment factor

(Tăng trưởng dự kiến cổ tức = (Thu nhập dự kiến × Tỷ lệ chi trả mục tiêu - Cổ tức trước đó) × Hệ số điều chỉnh).

5.2. Chính sách tỷ lệ chi trả cổ tức cố định (Constant dividend payout ratio policy)

Sử dụng chính sách tỷ lệ chi trả cổ tức không đổi, công ty áp dụng tỷ lệ chi trả cổ tức mục tiêu cho thu nhập hiện tại; do đó, cổ tức dễ biến động hơn so với chính sách cổ tức ổn định.

So sánh giữa chính sách cổ tức ổn định và chính sách tỷ lệ chi trả cố định:

Chính sách cổ tức ổn định

Chính sách tỷ lệ chi trả cổ tức cố định

  • Cổ tức dựa trên dự báo dài hạn về thu nhập bền vững

  • Cổ tức tương đối ổn định

  • Chính sách phổ biến nhất

  • Cổ tức biến động theo thu nhập

  • Tỷ lệ chi trả cổ tức không đổi

  • Chính sách ít được áp dụng

Khái quát xu hướng toàn cầu trong chính sách chi trả cổ tức của doanh nghiệp:

  • Các công ty thay đổi chính sách cổ tức để đáp ứng với những thay đổi trong môi trường kinh tế và sở thích của nhà đầu tư.

    • Tỷ lệ các công ty Mỹ trả cổ tức thấp hơn so với các đối tác châu Âu.

    • Các công ty ở thị trường châu Á đã tăng đáng kể việc chi trả cổ tức khi họ và thị trường dần phát triển.

  • Tổng số cổ tức cũng như tỷ lệ chi trả cổ tức đã tăng lên theo thời gian, mặc dù tỷ lệ người trả cổ tức đã giảm. Những người trả cổ tức này lớn hơn, có lợi nhuận cao hơn, có ít cơ hội tăng trưởng hơn và chi tiêu ít hơn cho R&D so với những người không trả cổ tức.

  • Tồn tại mối quan hệ ngược chiều giữa việc bắt đầu/tăng cổ tức với việc nâng cao tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp. Khi quản trị và tính minh bạch của thị trường được cải thiện, nội dung thông tin về cổ tức và vai trò truyền tín hiệu cho cổ đông của chúng sẽ giảm đi.


Nếu bạn cần thêm thông tin, đừng quên liên hệ với chúng tôi:

Bộ phận trải nghiệm học viên tại SAPP
Hotline: 1900 2225 (nhánh số 2)
Email: support@sapp.edu.vn