[Level II] Alternative Investments

[Tổng hợp các kiến thức cơ bản] Module 4: Chiến lược quỹ phòng hộ (Hedge fund strategies)

Tổng hợp các kiến thức quan trọng, cần lưu ý khi học Module 4 môn Alternative Investments trong chương trình CFA level 2

1. Đặc điểm của quỹ phòng hộ

  • Pháp lý, quy định: Các ràng buộc về pháp lý nói chung ít hơn nhiều so với các ràng buộc đối với các phương tiện đầu tư được quản lý.

  • Linh hoạt, ít hạn chế về đầu tư: Không bị cản trở nhiều trong các hoạt động đầu tư, ví dụ như bán khống hay sử dụng phái sinh.

  • Số lượng công cụ đầu tư lớn: Có khả năng tiếp cận nhiều loại tài sản nằm ngoài nhóm công cụ đầu tư truyền thống.

  • Phong cách đầu tư liều lĩnh: Thực hiện các chiến lược được coi là quá rủi ro đối với các quỹ đầu tư truyền thống.

  • Sử dụng đòn bẩy tương đối tự do: Sử dụng đòn bẩy một cách rộng rãi để làm hồ sơ lợi nhuận có ý nghĩa hơn.

  • Hạn chế về tính thanh khoản của quỹ phòng hộ: Những hạn chế về thanh khoản giúp cho các nhà quản lý danh mục có khả năng nắm giữ và duy trì các vị thế hiện có.

  • Phí cao: chi phí đầu tư của nhà đầu tư tương đối lớn, bao gồm chi phí quản lý và hoa hồng cho quản lý.

2. Phân loại chiến lược quỹ phòng hộ

  • Chiến lược liên quan đến vốn chủ sở hữu: tập trung vào thị trường vốn cổ phần, rủi ro của chiến lược là các rủi ro liên quan đến vốn cổ phần.

  • Chiến lược liên quan đến sự kiện: tập trung vào các sự kiện của doanh nghiệp, rủi ro chính liên quan đến các sự kiện có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến công ty hoặc chứng khoán của công ty đó.

  • Chiến lược giá trị tương đối: tìm kiếm cơ hội đầu tư bằng việc so sánh giá trị của hai hoặc nhiều chứng khoán, thường chịu rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản.

  • Chiến lược cơ hội: tìm kiếm cơ hội đầu tư giữa các cơ hội ở đa thị trường, rủi ro phải chịu liên quan đến các tài sản được đầu tư.

  • Chiến lược chuyên biệt: tập trung vào các thị trường đặc thù, thị trường ngách, đòi hỏi kỹ năng đầu tư hoặc kiến thức chuyên biệt, những rủi ro cũng vì thế mà tương đối đặc thù.

  • Chiến lược nhiều nhà quản lý: xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng chiến lược, với nhiều nhà quản lý đảm nhiệm các chiến lược khác nhau.

Một số chiến lược tiêu biểu theo từng hạng mục:

Hạng mục

Chiến lược tiêu biểu

Vốn chủ (Equity)

  • Mua bán cổ phiếu

  • Chuyên vị thế bán

  • Trung lập thị trường

Sự kiện (Event)

  • Mua bán sáp nhập

  • Chứng khoán sắp phá sản

Giá trị tương đối (Relative value)

  • Kinh doanh chênh lệch giá với trái phiếu và trái phiếu chuyển đổi

Cơ hội (Opportunistic)

  • Vĩ mô toàn cầu

  • Hợp đồng tương lai

Chuyên biệt (Specialist)

  • Chiến lược biến động

  • Chiến lược tái bảo hiểm

Nhiều nhà quản lý (Multi-manager)

  • Đa chiến lược

  • Quỹ trong quỹ

3. Các chiến lược liên quan đến vốn chủ sở hữu (Equity hedge fund strategies)

3.1. Mua bán cổ phiếu (Long/short equity)

Là chiến lược mua những cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng giá trong tương lai, đồng thời bán những cổ phiếu được kỳ vọng sẽ giảm giá trong tương lai.

3.1.1. Đặc điểm đầu tư

  • Vị thế ròng: theo chiều mua, khoảng 40% - 60%

  • Ưu điểm:

    • Thanh khoản tốt, danh mục đa dạng

    • Tính minh bạch tốt, giá liên tục cập nhật theo thị trường

    • Giảm rủi ro beta

    • Giảm mức biến động của danh mục đầu tư

  • Đòn bẩy: biến động tùy theo tình hình thị trường.

3.1.2. Thực thi chiến lược

Để thực hiện mua cổ phiếu kỳ vọng lên giá và bán cổ phiếu kỳ vọng giảm giá, nhà quản lý quỹ cần có am hiểu về những cổ phiếu này và có khả năng nhận diện những cổ phiếu được định giá cao/thấp.

Chiến lược có thể tập trung vào: ngành nghề, nhân tố, hoặc vị trí địa lý

3.1.3. Vai trò trong danh mục

Tìm kiếm alpha từ cổ phiếu trong khi hưởng lợi trong dài hạn từ vị thế mua ròng cổ phiếu.

3.2. Chuyên vị thế bán (Dedicated Short selling and Short-biased strategies)

Là chiến lược theo thiên hướng bán cổ phiếu được thị trường định giá cao.

Vận động bán khống (activist short selling) là chiến lược nhà quản lý tham gia vào vị thế bán trên một chứng khoán, đồng thời phát hành những nghiên cứu của mình để củng cố cho nhận định về cổ phiếu đó. Chiến lược này không bị coi là thao túng thị trường.

3.2.1. Đặc điểm đầu tư

  • Vị thế ròng:

    • Dedicated short: 60% -120% vị thế bán

    • Short biased: 30% - 60% bán ròng

  • Ưu điểm:

    • Thanh khoản tốt

    • Giá liên tục cập nhật theo thị trường

    • Tương quan âm với alpha của các chỉ số khác

  • Đòn bẩy: Thấp, do đặc điểm của bán khống không cần dùng đòn bẩy

3.2.2. Thực thi chiến lược

Bước 1: Tiếp cận theo hướng từ dưới lên: tìm kiếm trên thị trường các cơ hội có thể bán khống (mô hình kinh doanh yếu kém, sức ép quá lớn do sử dụng đòn bẩy, quản lý công ty nghèo nàn, kế toán thiếu trung thực.)

Bước 2: Bán khống: vay mượn cổ phiếu để bán trên thị trường

Bước 3: Thoát vị thế: mua lại cổ phiếu trên thị trường để hoàn trả cho người cho vay cổ phiếu.

3.2.3. Vai trò trong danh mục

Tạo ra lợi nhuận không có tương quan với các lớp tài sản còn lại trong danh mục, tạo ra lợi thế đa dạng danh mục.

3.3. Trung lập thị trường (Equity market neutral)

Chiến lược trung lập thị trường xây dựng một vị thế ròng (weighted beta) gần như bằng 0 (không thiên về chiều mua hay chiều bán).

3.3.1. Đặc điểm đầu tư

  • Vị thế ròng: gần như bằng 0

  • Ưu điểm:

    • Tìm kiếm alpha với beta bằng 0

    • Là chiến lược đầu tư hấp dẫn trong các thời điểm thị trường nhiều rủi ro.

    • Đòn bẩy: cao. Tuy nhiên, mức độ đòn bẩy có thể chấp nhận được do rủi ro thị trường đã được phòng hộ.

  • Lợi nhuận: lợi nhuận ở mức độ trung bình

  • Thời hạn đầu tư: không cố định, nhưng nhìn chung ngắn hơn so với đầu tư chủ động

3.3.2. Thực thi chiến lược

  • Pair trading: mua cổ phiếu định giá thấp, bán cổ phiếu định giá cao. Hai cổ phiếu doanh nghiệp cần có sự tương đồng về đặc điểm và sự đồng liên kết về giá.

  • Stub trading: mua cổ phiếu của công ty mẹ được định giá thấp, bán cổ phiếu của công ty con được định giá cao.

  • Mua bán nhiều lớp tài sản: mua cổ phiếu có quyền biểu quyết được định giá thấp, bán cổ phiếu không có quyền biểu quyết được định giá cao.

3.3.3. Vai trò trong danh mục

Tạo ra lợi nhuận alpha với beta gần như bằng 0, đây là chiến lược đặc biệt hiệu quả khi thị trường biến động và diễn biến khó khăn.

Lưu ý: chi phí của việc sử dụng đòn bẩy không được vượt quá lợi nhuận alpha tạo ra.

4. Các chiến lược liên quan đến sự kiện (Event-driven strategies)

4.1. Chiến lược mua bán, sáp nhập (Merger arbitrage)

Các phương án mua bán sáp nhập:

  • Tiền đổi cổ phiếu: công ty đi mua (A) đề nghị công ty mục tiêu (T) một khoản tiền để mua lại công ty T. Phương án này thường được sử dụng khi thặng dư tiền lớn.

  • Cổ phiếu đổi cổ phiếu: Công ty A đề nghị đổi một lượng cổ phần của mình để lấy một lượng cổ phần của công ty T. Phương án này thường được sử dụng khi cổ phiếu của công ty A được định giá cao.

Chiến lược mua bán sáp nhập theo đuổi lợi nhuận từ sự không chắc chắn trên thị trường trong giai đoạn giữa thời điểm thông báo sáp nhập được công bố và thời điểm thương vụ hoàn thành.

4.1.1. Đặc điểm đầu tư

  • Ưu điểm:

    • Tỉ lệ Sharpe tương đối cao

    • Thanh khoản tốt

    • Rủi ro đuôi trái

  • Đòn bẩy: trung bình cao – từ 3 đến 5 lần

  • Lợi nhuận: Tương tự với việc đầu tư một trái phiếu và bán quyền chọn bán

4.1.2. Thực thi chiến lược

Payoff của chiến lược tương tự việc nắm giữ trái phiếu phi rủi ro và bán quyền chọn bán nhị phân:

Chiến lược này còn có thể được thực hiện bằng các công cụ khác:

Kỳ vọng

Thương vụ thành công

Thương vụ thất bại

Lợi nhuận từ mua trái phiếu chuyển đổi

Cổ phiếu T ↑

Trái phiếu chuyển đổi T ↑

Giá T ↓

Trái phiếu chuyển đổi T đóng vai trò như một lớp đệm bảo vệ nhà đầu tư

Lợi nhuận từ hợp đồng hoán đổi tín dụng của T

Chất lượng tín dụng của T tăng → Giá CDS giảm → Bán bảo hiểm

Chất lượng tín dụng của T giảm về mức ban đầu → Mua bảo hiểm để phòng hộ một phần nếu giá CDS rẻ

4.1.3. Vai trò trong danh mục

Tỷ lệ Sharpe có xu hướng cao, mang lại lợi nhuận ổn định nhưng rủi ro đuôi trái cao đáng kể.

4.2. Chiến lược mua bán chứng khoán sắp phá sản (Distressed securities)

Chiến lược mua bán chứng khoán sắp phá sản tham gia vào vị thế tại chứng khoán của các công ty đang trong giai đoạn khó khăn tài chính (sử dụng đòn bẩy quá cao, cạnh tranh trong ngành hoặc những dấu hiệu bất thường về kế toán).

→ Các quỹ phòng hộ có thể tìm kiếm cơ hội sở hữu công ty và can thiệp vào điều hành.

4.2.1. Đặc điểm đầu tư

  • Ưu điểm:

    • Là chiến lược có lợi nhuận cao so với các chiến lược liên quan đến sự kiện khác

    • Là chiến lược hấp dẫn trong giai đoạn đầu của phục hồi kinh tế.

  • Vị thế: Thường thiên về chiều long

  • Đòn bẩy: trung bình thấp

  • Thanh khoản: thấp, do các khoản nợ khủng hoảng và tài sản thanh khoản thấp có thể mất đến hàng năm để xử lý xong

4.2.2. Thực thi chiến lược

Đối với trường hợp thanh lý: Tập trung vào xác định giá trị hoàn trả cho các tầng nợ. Trình tự như sau:

Nếu ước lượng của nhà quản lý lớn hơn kỳ vọng của thị trường → Mua chứng khoán nợ định giá thấp → Thu được lợi nhuận bằng sự khác biết giữa tỷ lệ hoàn trả ước lượng và kỳ vọng của thị trường

Đối với trường hợp tái cấu trúc: Tập trung vào tài chính của doanh nghiệp sau khi tái cấu trúc và đánh giá giá trị doanh nghiệp cũng như giá trị tương lai của các khoản nợ. Trình tự như sau:

  • Nhà quản lý đánh giá các chứng khoán định giá thấp trong điều kiện tái cấu trúc thành công.

  • Xác định chứng khoán điểm tựa (fulcrum securities) và mua vào.

  • Bắt đầu quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, các chứng khoán điểm tựa được chuyển đổi thành cổ phiếu mới.

  • Sau khủng hoảng, giá trị nội tại doanh nghiệp tăng, khả năng cao doanh nghiệp sẽ IPO.

  • Nhà quản lý quỹ có thể thoái vốn và thu lợi từ việc bán cổ phiếu đã được chuyển đổi trước đó.

Chứng khoán điểm tựa (fulcrum securities) là những khoản nợ không được hoàn trả đủ, người nắm giữ thường sẽ trở thành cổ đông sở hữu doanh nghiệp tái cấu trúc.

4.2.3. Vai trò trong danh mục

Lợi nhuận thường cao hơn so với các chiến lược khác, mặc dù thực tế chiến lược này tương đối khó đoán và nhạy cảm với thị trường trong giai đoạn suy thoái.

5. Chiến lược giá trị tương đối

5.1. Kinh doanh chênh lệch giá với công cụ thu nhập cố định (Fixed income arbitrage strategies)

Kinh doanh chênh lệch giá với thu nhập cố định là việc kiếm lời từ chênh lệch giá do định giá sai trong ngắn hạn của trái phiếu thu nhập cố định.

5.1.1. Đặc điểm đầu tư

  • Ưu điểm: được tiếp cận với đa dạng chứng khoán nợ

  • Đòn bẩy: Cao

  • Thanh khoản: rất cao ở thị trường Mỹ, những trường còn lại nhìn chung thanh khoản thấp hơn.

  • Rủi ro: những sản phẩm thu nhập cố định thường có cấu trúc phức tạp, làm gia tăng rủi ro tại các tài sản này.

5.1.2. Thực thi chiến lược

Giao dịch đường cong lãi suất (Yield curve trade): Tham gia vị thế long và short tại các điểm khác nhau trên đường cong lãi suất để thu lợi từ việc đường cong lãi suất dốc hơn hoặc thoải hơn.

  • Kỳ vọng đường cong lãi suất dốc hơn → Lãi suất dài hạn tăng nhiều hơn so với lãi suất ngắn hạn → Giá trái phiếu dài hạn giảm nhiều hơn giá trái phiếu ngắn hạn → Mua trái phiếu ngắn hạn, bán trái phiếu dài hạn.

  • Kỳ vọng đường cong lãi suất thoải hơn → Lãi suất ngắn hạn tăng nhiều hơn so với lãi suất dài hạn → Giá trái phiếu ngắn hạn giảm nhiều hơn giá trái phiếu dài hạn → Mua trái phiếu dài hạn, bán trái phiếu ngắn hạn.

Nhà quản lý quỹ có thể tham gia vào vị thế của các chứng khoán:

  • Cùng một doanh nghiệp phát hành: Hầu hết rủi ro tín dụng và thanh khoản đều được phòng vệ, rủi ro lãi suất sẽ là mối quan tâm chính

  • Của các doanh nghiệp phát hành khác nhau trong một ngành: Định giá sai xuất phát từ sự khác biệt về chất lượng tín dụng, tính thanh khoản, sự biến động và các đặc điểm cụ thể của vấn đề

Giao dịch chênh lệch lãi suất (Carry trade):

  • Chiến lược: vào vị thế short (bán) chứng khoán lãi suất thấp, vào vị thế long (mua) chứng khoán lãi suất cao.

  • Lợi nhuận: thu được từ 2 nguồn, sự khác biệt về lãi suất và thay đổi về giá.

  • Payoff: tương tự bán quyền chọn bán (short put).

5.1.3. Vai trò trong danh mục

Lợi nhuận tương tự như vị thế với bán quyền chọn bán.

Vị thế sử dụng đòn bẩy cao gây ra sự nhạy cảm với biến động giá, hiệu ứng domino trong những đợt call margin.

5.2. Chiến lược chênh lệch giá với trái phiếu chuyển đổi (Convertible arbitrage)

Giá hiện tại của cổ phiếu để chuyển đổi sẽ quyết định trái phiếu chuyển đổi được xem như cổ phiếu hay trái phiếu.

Chiến lược trái phiếu chuyển đổi thu lợi nhuận từ việc mua biến động (implied volatility) của trái phiếu chuyển đổi thường được định giá thấp.

Người giao dịch chênh lệch giá với chuyển đổi trái phiếu thường tham gia vào các vị trí để phòng rủi ro delta, gamma của chuyển đổi trái phiếu.

5.2.1. Đặc điểm đầu tư

  • Ưu điểm: Hoạt động tốt nhất trong những thời kỳ có nhiều phương tiện chuyển đổi được phát hành, biến động trung bình, thanh khoản thị trường tương đối  tốt

  • Đòn bẩy: cao

  • Thanh khoản: thường là chứng khoán với thanh khoản thấp bởi:

    • Phát hành với số lượng thấp

    • Ít chứng khoán cơ sở để vay mượn, đồng thời chi phí vay mượn cũng tương đối cao.

  • Rủi ro:

    • Bán khống có rủi ro gặp phải short squeeze, dẫn tới thua lỗ nặng và rủi ro thiếu cân xứng bất chợt

    • Vấn đề tính dụng: Credit spread rộng hoặc hẹp hơn gây ra không khớp giữa giá trị của cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi

    • Giảm biến động cổ phiếu dẫn đến giảm giá trị của quyền chọn và trái phiếu chuyển đổi

5.2.2. Thực thi chiến lược

image

Chiến lược chênh lệch giá với trái phiếu chuyển đổi sẽ đem lại lợi nhuận khi xảy ra sự biến động mạnh của giá cổ phiếu đi kèm với việc tái cân bằng danh mục định kỳ một cách hợp lý.

5.2.3. Vai trò trong danh mục

Đem lại kết quả tốt trong những giai đoạn thị trường với thanh khoản tốt, biến động trung bình và nhiều trái phiếu chuyển đổi được phát hành

Có thể không có kết quả tốt trong thời kỳ thanh khoản kém hoặc tín dụng suy yếu nghiêm trọng.

6. Chiến lược quỹ phòng hộ cơ hội

Các cách phân loại chiến lược quỹ phòng vệ cơ hội:

  • Loại phân tích đóng vai trò điều hướng chiến lược giao dịch: phân tích kỹ thuật (technical analysis) và phân tích cơ bản (fundamental analysis).

  • Phương thức thực hiện giao dịch: chủ quan nhà quản lý quỹ (discretionary) hoặc sử dụng hệ thống thuật toán (systematic).

  • Loại công cụ và thị trường giao dịch.

6.1. Chiến lược vĩ mô toàn cầu

Các chiến lược vĩ mô toàn cầu đưa ra những nhận định và dự báo chính xác về các biến số kinh tế toàn cầu khác nhau (ví dụ: lạm phát, tỷ giá hối đoái, đường cong lợi suất, chính sách ngân hàng trung ương, sức khỏe kinh tế,…)

6.1.1. Đặc điểm đầu tư

  • Đòn bẩy: Cao (gấp 6 – 7 lần tài sản quỹ)

  • Rủi ro: Các khoản đầu tư có khả năng cao sẽ thất bại khi nền kinh tế toàn cầu không diễn biến như dự đoán.

  • Lợi nhuận: Đem lại lợi nhuận cục bộ và không đồng đều so với các chiến lược khác, mức độ biến động cao hơn.

6.1.2. Thực thi chiến lược

  • Chiến lược được thực hiện theo trình tự từ trên xuống (top-down), sử dụng các yếu tố và mô hình vĩ mô và cơ bản để đưa ra nhận định về giá trị của một tài sản hoặc một lớp tài sản nào đó để đưa ra quyết định giao dịch.

  • Các nhà quản lý quỹ áp dụng chiến lược này thường sử dụng phương pháp chủ quan để thực hiện giao dịch hơn so với các nhà quản lý quỹ hợp đồng tương lai.

  • Chiến lược thành công yêu cầu nhà quản lý quỹ cần có nhận định cơ bản đúng về thị trường và có triết lý đầu tư cũng như những tính toán về thời gian hợp lý để nhận định về khía cạnh kĩ thuật.

6.1.3. Vai trò trong danh mục

  • Đóng góp lợi nhuận vượt trội và tính đa dạng hóa cho danh mục tài sản truyền thống.

  • Luôn phải dự báo được sự thay đổi trước những nhà đầu tư khác → Xu hướng đầu tư trái ngược có thể khiến việc phân bổ vào chiến lược này là lợi thế.

  • Mặc dù quá khứ đã cho thấy chiến lược đem lại lợi nhuận với phân bố nghiêng về phía bên phải, tuy nhiên kết quả này hoàn toàn không được đảm bảo.

6.2. Chiến lược hợp đồng tương lai

6.2.1. Đặc điểm đầu tư

  • Đòn bẩy: Cao

  • Thanh khoản: Rất cao

  • Ưu điểm: Đem lại lợi nhuận với phân bố nghiêng về bên phải trong bối cảnh thị trường căng thẳng → Hữu ích trong việc cân bằng các chiến lược có phân bố lợi nhuận nghiêng trái.

Hiện tượng đám đông (crowding) xảy ra khi những người tham gia thị trường theo đuổi chiến lược giao dịch giống nhau và sử dụng các chỉ báo giống nhau, dẫn đến hiện tượng bầy đàn và sự trượt giá khi khớp lệnh.

6.2.2. Thực thi chiến lược

Những nhà quản lý quỹ sử dụng một số chỉ báo trong mô hình, từ đó thuật toán sẽ nhận diện các dấu hiệu trên thị trường dựa trên những chỉ báo đó để thực hiện giao dịch.

Các phương pháp phổ biến:

  • Time-series momentum (TSM): phụ thuộc vào giá quá khứ của một tài sản nào đó, nhà quản lý quỹ mua tài sản đang tăng giá và bán tài sản đang giảm giá. Kết quả vị thế ròng thu được có thể là long hoặc short dựa trên xu hướng giá hiện tại của tài sản.

  • Cross-sectional momentum (CSM): thực hiện dựa vào giá của các tài sản khác nhau thường trong một lớp tài sản nào đó, nhà quản lý quỹ mua tài sản đang tăng giá nhiều nhất và bán tài sản đang giảm giá nhiều nhất. Kết quả vị thế ròng thu được là vị thế trung lập trên thị trường.

6.2.3. Vai trò trong danh mục

  • Chiến lược hợp đồng tương lai đem lại lợi nhuận ít tương quan với đầu tư cổ phiếu và trái phiếu truyền thống

  • Tăng tổng lợi nhuận điều chỉnh rủi ro

7. Chiến lược quỹ phòng hộ chuyên biệt

7.1. Chiến lược giao dịch biến động giá

7.1.1. Đặc điểm đầu tư

  • Vị thế đối với biến động:

    • Vị thế short: thu phí bảo hiểm cho biến động, kiếm được lợi nhuận bền vững trong điều kiện thị trường bình thường

    • Vị thế long: đồ thị có độ lồi dương, có giá trị phòng vệ đối với thị trường giảm và biến động tăng

  • Thanh khoản: tính thanh khoản tùy thuộc vào công cụ

  • Đòn bẩy: cao

  • Ưu điểm:

    • Vị thế long hữu dụng trong việc phòng vệ

    • Tương quan âm với lợi nhuận từ cổ phiếu → Đa dạng hóa

    • Đem lại lợi nhuận vượt trội

    • Vị thế short đem lại lợi nhuận bền vững trong điều kiện thị trường bình thường

7.1.2. Thực thi chiến lược

Nguyên tắc: Mua biến động định giá rẻ, bán biến động định giá đắt

Những nhà quản lý quỹ có thể sử dụng các lựa chọn sau:

Các quyền chọn giao dịch trên sàn

  • Cần kiểm soát cấu trúc kỳ hạn của biến động, volatility smile và volatility skew

  • Các chênh lệch quyền chọn: bull and bear spreads, straddles, calendar spreads

Các quyền chọn trên sàn OTC

  • Kỳ hạn và giá thực hiện có thể được tùy chỉnh

  • Chiến lược này chứa rủi ro đối tác và rủi ro thanh khoản

Hợp đồng tương lai của chỉ số VIX

  • Trong thị trường US, hợp đồng tương lai cho rủi ro phổ biến nhất là hợp đồng tương lai trên chỉ số VIX.

  • Là hình thức trực tiếp để nhận định về biến động mà không cần phòng vệ

  • Tuy nhiên quá nhiều nhà đầu tư tham gia sẽ khiến việc kiếm lợi nhuận khó khăn hơn

Hợp đồng hoán đổi biến động trên sàn OTC

  • Người nhận khoản biến động sẽ trả phần khác nhau giữa biến động thực tế và biến động được thỏa thuận nhân với khoản tiền danh nghĩa

  • Những phái sinh này cho người giao dịch tiếp cận trực tiếp với rủi ro biến động

7.1.3. Vai trò trong danh mục

Trong danh mục đầu tư, chiến lược biến động dài hạn có thể là một công cụ đa dạng hóa mạnh mẽ, bởi vì sự biến động của thị trường chứng khoán có mối tương quan nghịch chiều với lợi nhuận thị trường.

Cần phải trả phí cho người short biến động giá.

7.2. Tái bảo hiểm (Reinsurance/Life settlements)

7.2.1. Thực thi chiến lược

Tái bảo hiểm cho bảo hiểm nhân thọ (Life settlement):

Các bước thực hiện:

Bước 1: Phân tích các hợp đồng bảo hiểm đang được giao bán: Quỹ sẽ tìm các hợp đồng với các tính chất sau:

  • Giá trị hoàn trả cho một cá nhân được bảo hiểm là tương đối thấp.

  • Các khoản thanh toán phí bảo hiểm để duy trì hợp đồng cũng tương đối thấp.

  • Khả năng tương đối cao là người được bảo hiểm được chỉ định thực sự có khả năng qua đời trong một khoảng thời gian nhất định.

Bước 2: Trả một khoản tiền (thông qua môi giới) cho người nắm giữ hợp đồng bảo hiểm trước đó.

Bước 3: Các quyền trong hợp đồng bảo hiểm được chuyển qua cho quỹ phòng vệ: Quỹ sẽ có trách nhiệm thanh toán các khoản phí bảo hiểm tiếp theo để có thể được nhận về các bồi thường khi người được bảo hiểm trước đó qua đời.

Chiến lược này thành công khi giá trị hiện tại của lợi ích nhận được trong tương lai của quỹ lớn hơn giá trị hiện tại của dòng phí bảo hiểm phải trả.

Tái bảo hiểm cho bảo hiểm thiên tai (Catastrophe):

Bảo hiểm thiên tai bảo vệ người nắm giữ hợp đồng bảo hiểm khỏi các sự kiện về bão lũ, động đất,…

Để thu được lợi nhuận thu hút và không tương quan, quỹ phòng vệ có thể:

  • Đa dạng hóa thông qua việc mua các bảo hiểm khác về địa lý và loại bảo hiểm hiện có

  • Nhận đủ khoản đệm dự phòng tổn thất cho vay từ công ty bảo hiểm.

  • Nhận đủ thu nhập từ phí bảo hiểm

7.2.2. Tính chất đầu tư

Hợp đồng bảo hiểm khá kém thanh khoản: Hợp đồng bảo hiểm có tính tùy chỉnh khá cao nên sẽ khó bán hơn sau khi được phát hành.

7.2.3. Vai trò trong danh mục

Trong danh mục, rủi ro của các chiến lược này gần như hoàn toàn không tương quan với rủi ro thị trường và chu kỳ kinh doanh.

8. Chiến lược đa quản lý

8.1. Chiến lược quỹ trong quỹ (Fund-of-funds)

Các nhà quản lý theo đuổi chiến lược này sẽ tổng hợp vốn từ nhà đầu tư và phân bổ vào các danh mục quỹ phòng vệ riêng biệt theo đuổi các chiến lược khác ít tương quan với nhau.

8.1.1. Tính chất đầu tư

  • Ưu điểm:

    • Đa dạng hóa cao giữa các chiến lược quỹ phòng về

    • Chuyên môn của nhà quản lý quỹ được chọn đều cao

    • Phân bổ chiến lược và phân bổ phong cách đầu tư

    • Thanh khoản tốt hơn so với quỹ đầu tư đơn lẻ

    • Tiếp cận được nhiều quỹ phòng vệ đóng

  • Nhược điểm:

    • Phí hai tầng cho nhà đầu tư

    • Kém minh bạch hơn quỹ đầu tư riêng lẻ

    • Không trừ phí kết quả hoạt động

    • Phát sinh thêm các vấn đề về bên ủy thác – người đại diện

  • Đòn bẩy: Vừa phải

  • Lợi nhuận: lợi nhuận bền vững và ít biến động

8.1.2. Thực thi chiến lược

Bước 1: Lập danh sách các quỹ phòng vệ có thể đầu tư

Bước 2: Chọn cách phân bổ chiến lược phù hợp

Bước 3: Lựa chọn nhà quản lý quỹ

Bước 4: Cân nhắc số nhà quản lý cho mỗi chiến lược

Bước 5: Phỏng vấn các nhà quản lý quỹ

Bước 6: Xem xét các tài liệu cần thiết như báo cáo kiểm toán

Bước 7: Kiểm tra tính chất hoạt động của quỹ được đầu tư

Bước 8: Đàm phán về phí, thanh khoản và các điều khoản khác

Bước 9: Lập quy trình giám sát liên tục

8.1.3. Vai trò trong danh mục

  • Đa dạng hóa

  • Lợi nhuận bền vững

  • Rủi ro ít tập trung

  • Ít biến động

  • Ít rủi ro thua lỗ đối với mỗi nhà quản lý quỹ riêng lẻ

8.2. Đa chiến lược (Multi-strategies)

Các quỹ phòng vệ theo đuổi chiến lược này sẽ kết hợp nhiều chiến lược khác nhau để thu về lợi nhuận bền vững và ít biến động. Các quỹ con được vận hành trong một tổ chức quỹ lớn.

8.2.1. Tính chất đầu tư

  • Đòn bẩy: Cao

  • Lợi nhuận: bền vững và ít biến động

  • Ưu điểm: có thể thay đổi phân bổ chiến lược nhanh chóng, phí thu hút hơn so với FoF

  • Hạn chế: Phạm vi chiến lược được cung cấp hạn chế do chỉ có sẵn đội ngũ quản lý nội bộ, thanh khoản hạn chế cho nhà đầu tư do thời gian lock-up

8.2.2. Thực thi chiến lược

Bước 1: Đầu tư theo một loạt các chiến lược đầu tư riêng lẻ.

Bước 2: Phân bổ chiến lược và chiến thuật cho các chiến lược của quỹ phòng hộ: Các nhà quản lý quỹ con có thể được thông báo đầy đủ hơn về thời điểm tái phân bổ chiến lược cho một chiến lược cụ thể và có nhiều khả năng chuyển vốn giữa các chiến lược một cách nhanh chóng hơn.

8.2.3. Vai trò trong danh mục

Các quỹ đa chiến lược nhằm mục đích cải thiện danh mục đầu tư bằng cách bổ sung sự đa dạng hóa và lợi nhuận ổn định, ít biến động.

So sánh giữa chiến lược Quỹ trong quỹ và Đa chiến lược

Tính chất

Quỹ trong quỹ

Đa chiến lược

Lợi nhuận và thanh khoản

  • Đem lại lợi nhuận ổn định, biến động thấp thông qua đa dạng hóa

  • Thường có kết quả kém hơn Đa chiến lược

  • Đem lại lợi nhuận ổn định, biến động thấp thông qua đa dạng hóa

  • Thường có kết quả tốt hơn Quỹ trong quỹ

  • Có thể thua lỗ lớn (do sử dụng đòn bẩy cao)

Đòn bẩy

Sử dụng ở mức vừa phải

Sử dụng ở mức cao

Tính minh bạch

Thấp

Cao

Thời gian phản ứng chiến thuật

Dài hơn

Ngắn hơn

9. Mô hình nhân tố giải thích rủi ro của quỹ phòng vệ

9.1. Mô hình rủi ro nhân tố điều kiện

Mô hình rủi ro nhân tố điều kiện (Conditional factor risk model) có thể cho thấy liệu rủi ro của quỹ phòng hộ vốn không đáng kể trong thời kỳ thị trường bình lặng có thể trở nên đáng kể trong thời kỳ thị trường hỗn loạn hay không.

  • : lợi nhuận của quỹ i trong giai đoạn t
  • : rủi ro đối với nhân tố 1 (tới nhân tố K) đối với quỹ i trong giai đoạn t của thị trường bình lặng
  • : rủi ro bổ sung đối với nhân tố 1 (tới nhân tố K) cho quỹ i trong giai đoạn t của thị trường khủng hoảng, trong đó là biến giả bằng 1 khi thị trường khủng hoảng và bằng 0 khi thị trường bình lặng
  • : hệ số chặn cho quỹ t
  • : sai số ngẫu nhiên với giá trị trung bình bằng 0 và độ lệch chuẩn

Beta của mỗi nhân tố đại diện cho lợi nhuận thay đổi kỳ vọng của quỹ cho mỗi đơn vị tăng lên của nhân tố đó, với các nhân tố khác đều không đổi.

Phần lợi nhuận không được giải thích bởi các nhân tố rủi ro có thể được phân bổ vào 3 nguồn:

  • Alpha – kỹ năng đầu tư của cá nhân nhà quản lý quỹ

  • Các nhân tố bị bỏ qua

  • Sai số ngẫu nhiên

9.2. Xây dựng mô hình rủi ro nhân tố

Các bước xây dựng mô hình:

  • Xác định các nhân tố quan trọng có thể có

  • Tính toán mối tương quan theo cặp cho các nhân tố

  • Hồi quy chuỗi lợi nhuận trong trường hợp tương quan cao giữa các cặp nhân tố: đối với nhân tố A và B tương quan cao, hồi quy chuỗi lợi nhuận cho tất cả các nhân tố ngoại trừ nhân tố A

  • Lặp lại bước 3 cho các cặp nhân tố tương quan cao khác

→ Nhằm tránh vấn đề đa cộng tuyến.

Sau khi thực hiện quá trình trên, Hasanhodzic và Lo (2007) đã cho ra mô hình 4 nhân tố bao gồm:

  • Rủi ro cổ phiếu (DSNP500)

  • Rủi ro tiền tệ (DUSD)

  • Rủi ro tín dụng (DCREDIT)

  • Rủi ro biến động (DVIX)

10. Ảnh hưởng của việc phân bổ vốn vào chiến lược quỹ phòng vệ

10.1. Đóng góp của chiến lược quỹ phòng vệ

10.1.1. Đóng góp về kết quả đầu tư cho danh mục tỷ lệ 60/40

  • Tổng rủi ro (độ lệch chuẩn) của danh mục giảm.

  • Tỷ lệ Sharpe tăng.

  • Tỷ lệ Sortino tăng.

  • Mức sụt giảm vốn tối đa giảm (khoảng một phần ba danh mục đầu tư).

Chiến lược của quỹ phòng vệ giúp tăng lợi nhuận điều chỉnh rủi ro và mang lại sự đa dạng hóa cho danh mục đầu tư truyền thống chỉ có cổ phiếu và trái phiếu.

10.1.2. Kết quả đầu tư điều chỉnh rủi ro

Khi phân bổ 20% danh mục truyền thống vào các chiến lược quỹ phòng vệ, nhà quản trị danh mục có thể đạt được những mục tiêu thông qua các chiến lược sau:

Mục tiêu

Chiến lược

Tỷ lệ Sharpe cao

  • Hợp đồng tương lai

  • Chứng khoán sắp phá sản

  • Mua bán chênh lệch giá trái phiếu

  • Vĩ mô toàn cầu

  • Trung lập thị trường

Tỷ lệ Sortino cao

  • Trung lập thị trường

  • Hợp đồng tương lai

  • Mua bán cổ phiếu

  • Chiến lược liên quan đến sự kiện

Đem lại lợi nhuận điều chỉnh rủi ro cao

  • Hợp đồng tương lai

  • Trung lập thị trường

  • Vĩ mô toàn cầu

  • Chiến lược liên quan đến sự kiện

Các chiến lược không đem lại kết quả đầu tư điều chỉnh rủi ro đáng kể:

  • Quỹ trong quỹ

  • Đa chiến lược

10.2. Các đại lượng đo lường rủi ro

10.2.1. Độ lệch chuẩn (Standard deviation)

Các mục tiêu liên quan đến độ lệch chuẩn có thể đạt được thông qua các chiến lược dưới đây:

Mục tiêu độ lệch chuẩn

Chiến lược

Độ lệch chuẩn nhỏ nhất

Chuyên vị thế bán

Trung lập thị trường giảm

Độ lệch chuẩn giảm đáng kể

Hợp đồng tương lai

Quỹ trong quỹ

Trung lập thị trường

Ít ảnh hưởng tới độ lệch chuẩn

Chiến lược liên quan đến sự kiện: Chứng khoán sắp phá sản

Giá trị tương đối: chênh lệch giá trái phiếu chuyển đổi

10.2.2. Mức sụt giảm vốn (Drawdown)

Định nghĩa: Đây là mức giảm từ đỉnh tới đáy của một danh mục, thông thường được viết dưới dạng phần trăm giảm giữa điểm cao nhất của giá trị danh mục tới điểm thấp nhất ngay sau đó.

Các chiến lược quỹ phòng vệ đem lại mức sụt giảm vốn tối đa nhỏ nhất bao gồm các chiến lược:

  • Vĩ mô toàn cầu

  • Hợp đồng tương lai

  • Mua bán sáp nhập

  • Trung lập thị trường

Các chiến lược đóng góp ít hơn trong việc giảm mức sụt giảm vốn tối đa:

  • Mua bán cổ phiếu

  • Chiến lược liên quan đến sự kiện: Chứng khoán sắp phá sản

  • Giá trị tương đối: Mua bán chênh lệch giá trái phiếu chuyển đổi

Nếu bạn cần thêm thông tin, đừng quên liên hệ với chúng tôi:

Bộ phận trải nghiệm học viên tại SAPP
Hotline: 1900 2225 (nhánh số 2)
Email: support@sapp.edu.vn