[Level II] Ethical and Professional Standards

[Tổng hợp các kiến thức cơ bản] Module 1&2: Quy tắc đạo đức và chuẩn mực hành nghề của viện CFA (Phần 2)

Tổng hợp các kiến thức quan trọng, cần lưu ý khi học Module 1&2 (Phần 2) trong chương trình CFA level 2

5. Trách nhiệm với công ty chủ quản (IV Duties to Employers)

5.1. Trung thành (IV(A) Loyalty)

Hội viên và ứng viên không được tham gia vào các hoạt động cạnh trang nảy sinh xung đột lợi ích với công ty chủ quản.

Đề xuất cho hội viên và ứng viên trong một số trường hợp thường gặp:

Trường hợp

Đề xuất

Hoạt động độc lập

(Independent practice)

Nhân viên cần thông báo và nhận được sự cho phép từ công ty chủ quản về toàn bộ điều khoản trong hoạt động độc lập mà nhân viên đó cung cấp cho khách hàng, bao gồm: mô tả hình thức, thời gian thực hiện và thù lao nhận được từ dịch vụ đó

Nghỉ việc

(Leaving an employer)

Nhân viên cần hành động vì lợi ích của công ty chủ quản cho đến khi chính thức nghỉ việc.

Các hành động sau có thể cấu thành vi phạm đạo đức:

  • Chiếm đoạt bí mật thương mại (trade secrets)
  • Lạm dụng thông tin mật
  • Lôi kéo khách hàng của công ty chủ quản
  • Chiếm đoạt danh sách khách hàng của công ty chủ quản

Ví dụ: Trách nhiệm với công ty chủ quản khi nhân viên nghỉ việc

Dennis Elliot thuê Sam Chisolm, người trước đây từng làm việc cho một công ty cạnh tranh của công ty này. Chisolm rời công ty cũ của mình sau 18 năm làm việc. Khi Chisolm bắt đầu làm việc cho Elliot, anh ấy muốn liên hệ với các khách hàng cũ của mình vì anh ấy biết rõ về họ và chắc chắn rằng nhiều sẽ mở tài khoản tại công ty mới của anh ta.

Đáp án:

TH1: Có thoả thuận không cạnh tranh giữa Chisolm và công ty cũ

Việc sử dụng danh sách khách hàng hoặc thông tin khác được lấy từ công ty để liên hệ với khách hàng, trước khi bắt đầu công việc mới, mà không sự cho phép sẽ vi phạm Tiêu chuẩn IV (A) vì danh sách khách hàng là tài sản của công ty cũ.

Ngoài ra, bản chất và mức độ của vi phạm có thể thay đổi tuỳ thuộc vào các điều khoản trong thoả thuận không cạnh tranh ký giữa Chisolm và công ty cũ.

Tuy nhiên, Chisolm hoàn toàn được quyền sử dụng mà không vi phạm:

  • Kỹ năng, kiến thức từ vị trí cũ để áp dụng vào công việc mới
  • Thông tin công khai của khách hàng và của công ty cũ

TH2: Không có thoả thuận không cạnh tranh

Chisolm không vi phạm Quy tắc và Tiêu chuẩn nếu:

  • Không lôi kéo khách hàng cũ trong thời gian chờ công việc mới
  • Không sử dụng tài liệu nội bộ của công ty cũ khi không có sự cho phép

5.2. Thoả thuận thù lao khác (IV(B) Additional compensation arrangements)

Hội viên và ứng viên không được nhận quà tặng, trợ cấp, thù lao làm ảnh hưởng hoặc có thể tạo ra xung đột lợi ích với các công ty chủ quản, trừ khi có văn bản đồng ý của tất cả các bên liên quan.

5.3. Trách nhiệm của người giám sát (IV(C) Responsibilities of supervisors)

Hội viên và ứng viên cần đảm bảo nhân viên dưới quyền kiểm soát của mình tuân thủ theo nguyên tắc của Tiêu chuẩn đạo đức.

Một trong những cách hữu hiệu là xây dựng cơ chế tuân thủ đảm bảo các tiêu chí:

  • Có tổng quan cơ chế
  • Nội dung diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu
  • Có hệ thống kiểm tra và phát hiện vi phạm
  • Hành động vi phạm sẽ bị tố cáo và xử lý theo cơ chế

Sau khi có cơ chế, người giám sát nên:

  • Gửi cơ chế tới các bên liên quan
  • Liên tục đào tạo cho nhân viên để nắm rõ cơ chế
  • Nhắc nhở khi có dấu hiệu vi phạm cơ chế
  • Soát lại hành động của nhân viên để kiểm soát vi phạm
  • Định kỳ kiểm tra, rà soát cơ chế để kịp thời cập nhật thay đổi

Ví dụ: Trách nhiệm của người giám sát

Một hội viên chịu trách nhiệm giám sát bộ phận giao dịch, nhận thấy phần lớn hoạt động giao dịch cổ phiếu không có trong danh sách khuyến nghị của công ty nhưng bỏ qua và không kiểm tra việc này. Hầu hết giao dịch được thực hiện bởi một thực tập sinh.

Đáp án:

Điều này là vi phạm quy tắc vì trách nhiệm của hội viên này là giám sát. Người này phải nắm rõ những vấn đề phát sinh và điều tra lý do kỹ càng những dấu hiệu vi phạm cơ chế tuân thủ.

6. Phân tích, khuyến nghị, hoạt động đầu tư (V Investment analysis, Recommendation, Actions)

6.1. Cơ sở thận trọng và hợp lý (V(A) Diligence and reasonable basis)


Hội viên và ứng viên khi đưa ra quyết định/ khuyến nghị dựa vào nghiên cứu thứ cấp/ nghiên cứu của bên thứ ba cần dựa trên cơ sở thận trọng và hợp lý trong việc sử dụng tài liệu.

Nghiên cứu thứ cấp

Nghiên cứu của bên thứ ba

Nghiên cứu được thực hiện bởi người khác trong công ty

Nghiên cứu được thực hiện bởi chủ thể bên ngoài công ty.

vd: công ty môi giới, ngân hàng, công ty nghiên cứu …


Những yếu tố có thể sử dụng để đánh giá một nghiên cứu có đáng tin cậy hay không:

  • Những giả định nghiên cứu sử dụng
  • Tính chặt chẽ của phân tích trong bài nghiên cứu
  • Dữ liệu bài nghiên cứu sử dụng (Khoảng thời gian, mức độ cập nhật …)
  • Tính khách quan và độc lập của khuyến nghị theo báo cáo nghiên cứu

Hội viên không được dựa vào các báo cáo để ra quyết định/ khuyến nghị đầu tư khi nghi ngờ những nghiên cứu thứ cấp/ nghiên cứu của bên thứ ba dựa không đáng tin cậy.

Ngoài ra, các hội viên nên khuyến khích các công ty chủ quản:

  • Đưa ra chính sách yêu cầu các báo cáo nghiên cứu và khuyến nghị phải có cơ sở được chứng minh là hợp lý và đầy đủ.
  • Hướng dẫn chi tiết bằng văn bản để thực hiện nghiên cứu đúng cách và thận trọng.
  • Xây dựng các tiêu chí đo lường để đánh giá chất lượng nghiên cứu và dựa trên các cơ sở đó để đưa ra mức thù lao hợp lý
  • Xây dựng thủ tục bằng văn bản mô tả mức độ kiểm tra tối thiểu đối với các mô hình dùng để phát triển, đánh giá các công cụ tài chính.
  • Có chính sách đánh giá các bên cung cấp thông tin bằng cách xem xét tính hợp lý và chính xác của thông tin được cung cấp và thiết lập tần suất đánh giá.
  • Áp dụng một bộ tiêu chuẩn cung cấp các tiêu chí để đánh giá các bên cố vấn và thiết lập tần suất đánh giá

Ví dụ: Cơ sở thận trọng và hợp lý

Một hội viên thuyết trình về đợt chào bán cổ phiếu của một doanh nghiệp mà công ty của anh ta đang bảo lãnh phát hành, đưa ra thông tin về mức năng lực sản xuất cao nhất làm căn cứ cho giá phát hành của cổ phiếu.

Đáp án:

Việc chỉ cung cấp mức năng lực sản xuất cao nhất (chứ không phải mức năng lực kỳ vọng hoặc năng lực trung bình trong thực tế) không phải là nền tảng hợp lý (reasonable basis) để đưa ra giá cổ phiếu khuyến nghị => vi phạm tiêu chuẩn.

6.2. Giao tiếp với khách hàng (V(B) Communicate with clients and prospective clients)

Hội viên và ứng viên phải:

  • Thông báo cho khách hàng và khách hàng tiềm năng những điều khoản cơ bản và các nguyên tắc chung của đầu tư; các quy trình được sử dụng để phân tích các khoản đầu tư, lựa chọn và xây dựng danh mục đầu tư và phải thông báo kịp thời bất kỳ thay đổi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quy trình đó.
  • Thông báo cho khách hàng và khách hàng tiềm năng những hạn chế và rủi ro quan trọng liên quan đến quy trình đầu tư.
  • Sử dụng phán đoán hợp lý để xác định yếu tố nào là quan trọng đối với các phân tích đầu tư, các khuyến nghị hoặc hành động và thông báo với khách hàng và khách hàng tiềm năng.
  • Phân biệt giữa sự thật (fact) và ý kiến (opinion) trong việc trình bày phân tích đầu tư và khuyến nghị.

Ví dụ: Giao tiếp với khách hàng

Công ty của một hội viên thay đổi từ mô hình lựa chọn vốn chủ sở hữu cũ (equity selection model), dựa trên tỷ lệ giá bán-doanh thu (price-sales ratio), sang mô hình mới dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trong tương lai (future earnings growth rates), nhưng không thông báo cho khách hàng về sự thay đổi này.

Đáp án:

Tình huống này là vi phạm Tiêu chuẩn V(B) Giao tiếp với khách hàng, vì việc sử dụng mô hình tăng trưởng thu nhập trong tương lai dựa trên số liệu dự đoán (forecasted), khác biệt hoàn toàn với mô hình lựa chọn vốn chủ sở hữu trước đây dựa trên số liệu báo cáo (reported) trong quá khứ. Đây là một thay đổi quan trọng trong quá trình đầu tư và cần phải được thông báo rõ ràng tới khách hàng.

6.3. Lưu trữ hồ sơ (V(C) Record retention)

Hội viên và ứng viên phải lưu trữ hồ sơ liên quan hỗ trợ phân tích đầu tư, khuyến nghị, đầu tư và các thông tin liên quan khác của họ với khách hàng và khách hàng tiềm năng. Thời gian lưu trữ tối thiểu được đề xuất là 7 năm.

Các hồ sơ lưu trữ là tài sản của công ty chủ quản, do những hồ sơ này được hình thành khi hội viên hoạt động nhân danh công ty chủ quản.

⇒  Hội viên khi rời công ty chủ quản không được phép sử dụng những khuyến nghị/báo cáo được tạo ra tại công ty cũ.

Ví dụ: Lưu trữ hồ sơ

A là nhân viên một công ty chứng khoán và đã xây dựng một mô hình định giá trong thời gian làm việc tại đây. Khi nghỉ việc tại đây và sang công ty mới, A đã cầm theo tài liệu có liên quan đến quá trình phát triển mô hình trên để áp dụng vào công việc mới.

Đáp án:

A đã vi phạm tiêu chuẩn trong việc cầm theo tài liệu gốc liên quan đến mô hình trên khi chưa được cho phép vì tài liệu đó là tài sản của công ty cũ.

Ở công ty mới, A có thể sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm anh đã tích lũy để xây dựng lại mô hình, nhưng cần tự làm ra những tài liệu hỗ trợ liên quan đến quá trình này.

7. Xung đột lợi ích (VI Conflicts of interests)

7.1. Công bố xung đột (VI(A) Disclosure of conflicts)

Hội viên và Ứng viên phải công khai đầy tất cả các vấn đề có thể làm giảm tính độc lập và khách quan hoặc ảnh hưởng tới các nghĩa vụ đối với khách hàng, khách hàng tiềm năng và công ty chủ quản.

Việc công khai minh bạch thông tin sẽ mang lại những lợi ích sau:

Khách hàng

Khách hàng và khách hàng tiềm năng có thể đánh giá khả năng mà người hội viên có thể thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan.

Công ty chủ quản

Công ty chủ quản có đầy đủ thông tin để đánh giá tác động của xung đột có thể xảy ra

Ví dụ: Công bố xung đột

Một hội viên nghiên cứu về một cổ phiếu cho khách hàng và vợ của hội viên đó cũng thừa kế số lượng lớn cổ phiếu này.

Đáp án:

Khi thực hiện nghiên cứu về cổ phiếu của một công ty, hội viên này sẽ có khả năng tìm hiểu sâu và biết rõ tình hình hoạt động của công ty này.

Trong trường hợp công ty có dấu hiệu hoạt động không ổn định có thể dẫn đến giá cổ phiếu giảm trong tương lai, nhưng vì lợi ích của vợ, hội viên có thể lưỡng lự và lựa chọn không cung cấp thông tin thực tế một cách đầy đủ về công ty đó cho khách hàng tiềm năng.

7.2. Thứ tự ưu tiên giao dịch (VI(B) Priority of transactions)

Các giao dịch đầu tư cho khách hàng và công ty chủ quản phải được ưu tiên hơn các giao dịch phục vụ lợi ích của chính hội viên, ứng viên.

7.3. Phí giới thiệu (VI(C) Referral fees)

Các hội viên phải thông báo cho công ty chủ quản, khách hàng và khách hàng tiềm năng, khi thích hợp, về bất kỳ khoản thù lao, tiền công hoặc lợi ích nào nhận được từ hoặc thanh toán cho các đối tượng giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ.

Ví dụ: Phí giới thiệu

Một nhà tư vấn thực hiện phân tích và tìm kiếm cố vấn cho một quỹ hưu trí. Sau đó, người cố vấn được lựa chọn đã trả một khoản tiền cho nhà tư vấn này.

Đáp án:

Khả năng nhà tư vấn được chi trả cần được nêu rõ từ trước cho khách hàng. Việc không cung cấp đầy đủ thông tin về các khoản thù lao có thể phát sinh là một vi phạm về tiêu chuẩn VI(C) Phí giới thiệu.

8. Trách nhiệm với tư cách là hội viên của Viện CFA hoặc ứng viên CFA

8.1. Ứng xử phù hợp với tư cách là hội viên hoặc ứng viên Viện CFA
(VII(A) Conduct as participants in CFA Institute program)

Các hội viên không được tham gia vào bất kỳ hoạt động nào làm suy yếu tính liêm chính của điều lệ CFA. Tiêu chuẩn này nghiêm cấm thực hiện các hành vi bao gồm:

  • Gian lận trong kỳ thi CFA hoặc bất kỳ thi nào do Viện CFA tổ chức
  • Tiết lộ về các nội dung xuất hiện hoặc không xuất hiện trong đề thi chính thức
  • Không tuân theo các quy tắc và chính sách của Viện CFA.
  • Cung cấp thông tin bí mật về chương trình CFA cho ứng viên hoặc công chúng.
  • Lợi dụng sự liên kết với Viện CFA cho mục đích cá nhân
  • Xuyên tạc thông tin trong Tuyên bố Ứng xử Nghề nghiệp (Professional conduct statement - PCS) của hoặc Chương trình phát triển chuyên môn của Viện CFA

8.2. Đề cập tới Viện CFA, Chứng chỉ CFA, CFA Program

Khi dẫn chiếu đến CFA Institute, hội viên CFA Institute hoặc ứng viên CFA, không được đưa ra tuyên bố sai hoặc phóng đại ý nghĩa hoặc hàm nghĩa của tư cách hội viên CFA, có chứng chỉ CFA hoặc ứng viên CFA.

 

Nếu bạn cần thêm thông tin, đừng quên liên hệ với chúng tôi:

Bộ phận trải nghiệm học viên tại SAPP
Hotline: (+84) 971 354 969
Email: support@sapp.edu.vn