[Pre-CFA Level II] Portfolio management

[Tổng hợp các kiến thức cơ bản] Reading 43: Cơ chế hoạt động và ứng dụng của exchange-traded fund (ETF)

Tổng hợp các kiến thức quan trọng, cần lưu ý khi học Reading 43 trong chương trình CFA level 2

Để người đọc nắm được tốt hơn toàn bộ kiến thức của reading 43, cần phải hiểu được khái niệm, đặc điểm, quá trình phát hành các chứng chỉ quỹ ETFs và cách mà các chứng chỉ quỹ này được trao đổi trên thị trường.

1.   Quỹ ETF là gì?

  • Quỹ ETF (Exchange-traded fund) là một loại quỹ đầu tư thụ động được xây dựng căn cứ vào giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu trong một rổ danh mục nhất định, hay nói cách khác, ETF được xây dựng mô phỏng trên một loại chỉ số nào đó. Chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trên các sàn chứng khoán.
    Hiện nay có khoảng 7 quỹ ETF đang được giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến E1VFVN30 của công ty chứng khoán Dragon Capital, FUEMAV30 của công ty Mirae Asset, và FUESSV 30 của công ty chứng khoán SSI; cả 3 quỹ này đều mô phỏng chỉ số VN30 (Chỉ số mô phỏng biến động giá của 30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn VN30 có giá trị vốn hóa thị trường và thanh khoản cao nhất).
    Nói một cách đơn giản, khi chỉ số VN30 tăng 1%, thì giá trị của ba quỹ này cũng tăng xấp xỉ ~1%.
  • Điểm khác biệt lớn nhất giữa quỹ ETF và quỹ tương hỗ

Chứng chỉ quỹ tương hỗ (mutual fund)

Chứng chỉ quỹ ETF

  • Các chứng chỉ quỹ tương hỗ phải được mua hoặc bán vào cuối ngày thông qua người môi giới hoặc người quản lý quỹ tại mức giá NAV, trên cơ chế shares-for-cash hoặc cash-for-shares, tức là bạn mua/bán chứng chỉ và bạn trả đi/nhận lại tiền.

 

  • Trong khi đó, chứng chỉ quỹ ETF được mua bán trên sàn trong suốt một ngày giao dịch, giống như các cổ phiếu, và trên thị trường thứ cấp.
  • Các chứng chỉ quỹ ETF được phát hành hoặc mua lại trên cơ chế shares-for-shares, tức là chứng chỉ đổi cổ phiếu, hoặc ngược lại. (Nội dung này sẽ được trình bày cụ thể hơn tại phần 1.2 và 1.3).

2.   Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp của chứng chỉ quỹ ETFs

Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp là hai khái niệm quen thuộc trong các môn học về công cụ đầu tư trong chương trình CFA level I.

  • Thị trường sơ cấp là thị trường mua bán các mã cổ phiếu mới phát hành, vốn của nhà đầu tư sẽ được chuyển sang nhà phát hành thông qua việc đầu tư mua các chứng khoán mới phát hành.
  • Thị trường chứng khoán thứ cấp là nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp đảm bảo tính thanh khoảncho các chứng khoán đã phát hành.

Ở phần này chúng ta sẽ tìm hiểu về cách mà các chứng chỉ quỹ ETF được (1) phát hành và bán lần đầu tiên trên thị trường sơ cấp và (2) mua bán bởi các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp.

2.1.      Thị trường sơ cấp của quỹ ETF

  • Thị trường sơ cấp của quỹ ETF là nơi giao dịch giữa các nhà tạo lập thị trường (APs – authorized participants).
  • Các nhà tạo lập thị trường (APs) là các tổ chức tài chính có quy mô lớn được nhà phát hành ETF chỉ định, nhằm thực hiện vai trò môi giới, làm đại lý (brokers-dealers) cho các ETF.
  • Giao dịch giữa các nhà tạo lập trên thị trường thứ cấp là các giao dịch không bằng tiền (in-kind process): một rổ bao gồm các chứng khoán được chỉ định trước (ví dụ: 30 chứng khoán thuộc VN30 trong trường hợp của ETF E1VFVN30) được trao đổi bằng một số lượng các chứng chỉ quỹ ETF nhất định, có thể gọi đây là cơ chế shares-for-shares.

(Phần này sẽ được trình bày kỹ hơn trong phần 1.3)

  • Quá trình giao dịch trên thị trường sơ cấp giữa các APs là cách duy nhất để các ETF được tạo nên, bán ra lần đầu tiên (creation) hoặc mua lại (redemption). Quá trình này vì vậy được gọi là “phát hành/mua lại” (redemption/creation).

2.2.      Thị trường thứ cấp của quỹ ETF

Các chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trên các sàn niêm yết. Đối với các nhà đầu tư nói chung, các sàn niêm yết là nơi duy nhất để họ có thể mua hoặc bán các chứng chỉ này, và việc mua bán thường được thực hiện thông qua một tài khoản môi giới.

Những nhà phát hành quỹ ETF không có tham gia hay can thiệp vào giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp.

3.   Cách thức phát hành – mua lại các chứng chỉ quỹ ETFs (The redemption/creation process)

Quá trình phát hành/mua lại các chứng chỉ quỹ ETFs được thực hiện theo các trình tự sau:

Bước 1:

Hằng ngày, các quản lý quỹ ETF công bố một danh sách các chứng khoán nằm trong danh mục của mỗi quỹ ETF. Thường thì các nhà quản lý này sẽ công bố danh sách và khối lượng (phản ánh tỷ trọng) của các chứng khoán thuộc danh mục.

Danh sách công bố này được gọi là creation basket.

Bước 2:

  • Để tạo ra chứng chỉ quỹ (creation), một nhà tạo lập thị trường sẽ bắt đầu thu thập các chứng khoán được liệt kê trong creation basket (bằng cách mua bán trên thị trường hoặc lấy từ nguồn có sẵn mà họ sở hữu).

Sau đó, họ chuyển giao số chứng khoán này cho các quản lý quỹ ETF và nhận về một số lượng chứng chỉ ETF tương ứng.

Giao dịch này giữa các quản lý quỹ ETF và các nhà tạo lập thị trường được thực hiện với số lượng lớn – gọi là creation units.

  • Quá trình trên đây cũng có thể được đảo ngược lại, nếu như một nhà tạo lập thị trường không còn muốn sở hữu một số lượng chứng chỉ quỹ, lúc này họ có thể đổi lượng chứng chỉ này cho một nhà quản lý ETF, và nhận về một số lượng cổ phiếu tương ứng. Đây chính là sự mua lại các chứng chỉ ETF, hay còn gọi là redemption. Lượng cổ phiếu mà nhà tạo lập thị trường nhận về được gọi là redemption basket.

Động cơ để các nhà tạo lập thị trường tham gia vào quá trình phát hành/mua lại (redemption/creation)

  • Các nhà tạo lập thị trường tham gia vào quá trình này để kiếm lời các cơ hội kinh doanh chênh lệch giá khi có sự chênh lệch giữa mức giá của các chứng khoán thuộc danh mục (security basket) và giá của các ETFs.

  • Arbitrage gap: là khoảng chênh lệch giữa mức giá hiện hành của các chứng khoán trong danh mục và giá niêm yết của chứng chỉ ETF, đủ để khiến cho các nhà tạo lập thị trường có động cơ để tham gia vào thị trường ETFs thứ cấp, tham gia vào các giao dịch phát hành và mua lại.

Mức arbitrage gap này khác nhau đối với mỗi một ETF.

  • Khi các nhà tạo lập thị trường tham gia vào các giao dịch kinh doanh chênh lệch giá, điều này sẽ khiến cho arbitrage gap được rút ngắn lại (hình trên).

→  Quá trình phát hành/mua lại (creation/redemption) giữ cho chứng chỉ quỹ ETF luôn được giao dịch ở mức giá tương đương hoặc gần bằng với NAV (net asset value) của chính nó.

 

Nếu bạn cần thêm thông tin, đừng quên liên hệ với chúng tôi:

Bộ phận trải nghiệm học viên tại SAPP
Hotline: (+84) 971 354 969
Email: support@sapp.edu.vn
Link yêu cầu về dịch vụ: https://page.sapp.edu.vn/phieu-yeu-cau-dich-vu-cx