Kinh nghiệm tuyển dụng các công ty Non- Big

Tổng quan và chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển các công ty Non-Big mà sinh viên Kế - Kiểm - Tài chính không thể bỏ qua (Phần 2)

Ở phần trước, SAPP Academy đã cùng bạn tìm hiểu những thông tin tổng quan về Non-Big và khám phá một số doanh nghiệp tiêu biểu. Trong phần này, chúng mình sẽ đi sâu hơn vào vòng tuyển dụng của các công ty này nhé!

Theo dõi bài viết phần 1 ngay tại đây

1. Kỳ tuyển dụng của công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam:

Với sứ mệnh “Là nhà tư vấn hàng đầu cho các tổ chức năng động, đồng thời khai mở tiềm năng phát triển của nhân viên chúng tôi, khách hàng và cộng đồng”, Grant Thornton Việt Nam liên tục tìm kiếm những nhân tố tài năng mới nhằm phát triển đội ngũ của mình. Các kỳ tuyển dụng của Grant Thornton đã thu hút được nhiều sự quan tâm từ các bạn ứng viên.

Các kỳ tuyển dụng tại Grant Thorton sẽ gồm 3 vòng chính:

1.1 Vòng Hồ sơ (CV): 

Grant Thornton Việt Nam yêu cầu ứng viên sở hữu điểm trung bình chung tích lũy (GPA) tối thiểu là 7.0 đối với hệ 10 mới đủ điều kiện nộp hồ sơ. Điều này tương ứng với việc chỉ cần đạt mức Khá trở lên ở các chuyên ngành, bạn đã có thể thử sức nộp đơn đăng ký đối với các vị trí của đơn vị này.

1.2. Vòng 2: Phỏng vấn với Giám đốc Kiểm toán:

Thời gian vòng thi này diễn ra là khoảng 30 phút. Nội dung các câu hỏi phỏng vấn bao gồm 2 phần: 

  • Kiến thức chuyên ngành (technical-question)
  • Các câu hỏi khai thác đến kinh nghiệm cá nhân và sự tìm hiểu về công ty. 

Một số chủ đề sẽ xuất hiện trong phần câu hỏi chuyên ngành:

  • Những kiến thức cơ bản của môn nguyên lý kế toán như Định khoản, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính;... 
  • Quan điểm về một tình huống kiểm toán;...
  • Sự hiểu biết về Kiểm Toán: Kiểm toán là gì, nếu được giao về phần hành tiền trong kiểm toán em sẽ làm những đầu mục gì;...

Một số câu hỏi khai thác sâu về kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân như:

  • Bản thân em đã chuẩn bị những gì để đi thực tập?
  • Trong thời gian học ở trường em có tham gia câu lạc bộ hay đi làm thêm không? Nếu có thì qua những công việc ấy em đã học được những gì?
  • Các câu hỏi khai thác khả năng làm việc nhóm của ứng viên;

1.3. Vòng 3: Phỏng vấn với Chủ phần hùn Kiểm toán (Audit Partner): 

Ở vòng tuyển dụng này, nhà tuyển dụng sẽ khai thác kiến thức sâu hơn từ ứng viên. Một số câu hỏi quen thuộc về chuyên ngành có thể xuất hiện trong vòng này bao gồm:

  • Khái niệm thử nghiệm kiểm soát (Test of control - TOC) là gì?
  • Thử nghiệm cơ bản (Substantive test) bao gồm những gì?
  • Các thức lập kế hoạch kiểm toán mẫu;...

2. Kỳ tuyển dụng của công ty TNHH hãng Kiểm toán AASC:

Vòng tuyển dụng của công ty TNHH hãng Kiểm toán AASC hãng kiểm toán AASC bao gồm 3 vòng:

2.1 Vòng Hồ sơ (CV):

Ứng viên sẽ phải chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu được đề cập trên cổng thông tin website của AASC bao gồm: đơn đăng ký thực tập theo mẫu, ảnh chân dung 3x4 và bảng điểm học tập. Ngoài ra, bạn có thể chủ động bổ sung vào hồ sơ các chứng chỉ nghề nghiệp chuyên nghiệp như ACCA, ACA;...

2.2. Vòng Kiểm tra năng lực:

Các ứng viên trúng tuyển vòng hồ sơ sẽ được mời tham dự một bài kiểm tra. AASC sẽ thông báo tới thí sinh tham dự cách thức làm bài kiểm tra qua điện thoại và/hoặc thư điện tử.

Vòng đáng giá năng lực của AASC thường sẽ được tổ chức theo hình thức của một kỳ thi đại học với khoảng 2 đến 3 giám thị trông thi. Bố cục của bài đánh giá thường sẽ bao gồm.

  • Phần Nghiệp vụ (Tổng thời gian 150 phút): Gồm 50 câu trắc nghiệm và tự luận.Trong đó, phần Thuế được phân bổ số lượng câu hỏi nhiều nhất và khá dễ sai. Phần bài tự luận sẽ hướng đến định khoản các nghiệp vụ kế toán.
  • Phần tiếng Anh: (Thời gian làm bài khoảng từ 30 - 45 phút): Trong phần này thì câu hỏi sẽ được biến đổi thành nhiều hình thức khác nhau như điền trống, đọc hiểu và dịch câu… Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá trình độ tiếng Anh chuyên ngành của ứng viên qua phần làm bài này.

2.3. Vòng Phỏng vấn: 

Trong vòng thi này, ứng viên sẽ được chia ngẫu nhiên vào các vòng phỏng vấn riêng biệt. Thí sinh được xem là đạt yêu cầu khi trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp và trao đổi với đối tác. 

Một số câu hỏi nhất định phải lưu tâm trong vòng phỏng vấn tiếng Anh bao gồm:

  • Chùm câu hỏi tổng quát (background questions): How do you get there? (Bạn đi đến đây bằng phương tiện gì), What do you feel right now? (Bạn đang cảm thấy như thế nào), Tell me a little about yourself (Hãy giới thiệu vài nét về bản thân)...
  • Chùm câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm trước đó (In-depth experience questions): Why did you choose this job and this company? (Tại sao bạn lại lựa chọn công việc và công ty này), What was your responsibility (Nhiệm vụ chính của bạn là gì), What did you gain from this job (Công việc này đã giúp bạn học hỏi những gì);...
  • Chùm câu hỏi tình huống (Behavioral questions): Tell me why should we hire you (Tại sao tôi cần phải thuê bạn); Give me an example of when you had to work under high pressure? And what was your solution? (Cho tôi một ví dụ khi bạn phải làm việc dưới áp lực cao và cách xử lý của bạn như thế nào)
  • Chùm câu hỏi liên quan đến kiến thức chuyên ngành: What is the difference between VAS and IFRS when recording assets value (Điểm khác biệt của Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) khi ghi chép giá trị tài sản…

3. Kỳ tuyển dụng của công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY:

Ứng tuyển tại UHY bao gồm 3 vòng: Hồ sơ - Kiểm tra năng lực và kiến thức chuyên môn và Phỏng vấn cá nhân.

3.1 Vòng Hồ sơ: 

Ứng viên trong vòng này sẽ phải hoàn thiện mẫu đơn cũng như hồ sơ theo yêu cầu từ phía công ty. Thí sinh sẽ có thêm lợi thế nếu như vòng tuyển dụng này sở hữu chứng chỉ quốc tế về nghề nghiệp hay có nền tảng ngoại ngữ tốt.

3.2 Vòng đánh giá năng lực và chuyên môn:

Bài Đánh giá năng lực ở vòng này sẽ có tổng thời gian làm bài là 90 phút bằng tiếng Anh, khai thác kiến thức về Kế toán, Kiểm toán và Thuế. 

Phần Kế toán, Thuế: Khoảng 40 câu hỏi. Số lượng câu hỏi nhận biết và thông hiểu tiếm trọng số lớn.

Phần Kiểm toán: Chiếm tỷ lệ 50% số câu hỏi. Trong đó, phần này sẽ tập trung kiểm tra các yêu cầu về đạo đức của một kế toán viên và các chuẩn mực bằng tiếng Anh.

Nhìn chung kiến thức chuyên môn trong vòng này chủ yếu liên quan đến các môn học F3, F6 ACCA, chủ yếu về hàng tồn kho, tài sản cố định, ý kiến kiểm toán, cơ sở dẫn liệu,…. 

Phần Viết luận (Essay): Ứng viên sẽ được yêu cầu chọn một chủ đề và chứng minh góc nhìn của mình về chủ đề đó. 

Ví dụ minh họa:

Chọn trong các nhóm chủ đề sau và nêu lên quan điểm:

  • Quan điểm về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa Donald Trump và Joe Biden.
  • Liệu rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế cho Kiểm toán không?
  • Việc quyên góp cho đồng bào miền Trung của Ca sĩ Thủy Tiên đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều. Cách xử lý của bạn trong trường hợp đó là như thế nào.

Do đó, ở vòng thi này bạn nên theo dõi các thông tin thời sự cũng như các vấn đề xã hội đang được lưu tâm và mường tượng ra các chủ đề sẽ được công ty UHY đưa ra.

3.3 Vòng 3 (Phỏng vấn cá nhân): 

Ứng viên sẽ phải trải qua 2 phần là phỏng vấn tiếng Anh và cả tiếng Việt. Tuy nhiên, những câu hỏi chuyên ngành sẽ ở mức độ cơ bản và chủ yếu chỉ đánh giá sự phù hợp cũng như sự đam mê của bạn với ngành nghề.

Một số câu hỏi có thể sẽ được khai thác trong vòng này:

  • Tại sao chọn kiểm toán?
  • Bạn biết biết gì về công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY?
  • Nêu Điểm mạnh, điểm yếu của bản thân?
  • Nếu như nhận được đồng thời thư mời nhận việc (offer) của cả 2 đơn vị thì bạn sẽ lựa chọn như thế nào?

4. Kỳ tuyển dụng của công ty RSM Việt Nam:

Với vòng tuyển dụng của công ty RSM Việt Nam, thí sinh sẽ lần lượt trải qua 3 vòng chính: Hồ sơ - Đánh giá kỹ năng - Phỏng vấn. 

4.1. Vòng Hồ sơ: 

Với mục đích tuyển “đúng người - đúng việc”, bộ phận nhân sự tại RSM sẽ có xu hướng ưu tiên những sinh viên làm việc theo đúng chuyên ngành. Các ngành được nhà tuyển dụng này đưa ra trong tiêu chí xét tuyển bao gồm:

  • Luật;
  • Kế - Kiểm;
  • Tài chính hay Kinh tế;

Sinh viên đến từ các nhóm ngành khác cũng có thể đăng ký ứng tuyển nếu như sở hữu các chứng chỉ như ACCA, CPA Úc.

4.2. Vòng Đánh giá kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ: 

  • Phần chuyên ngành: Nhà tuyển dụng sẽ tập trung khai thác các kiến thức Kế toán, Kiểm toán như: hồi tố, ý kiến kiểm toán, các nghiệp vụ định khoản,... 
  • Phần trắc nghiệm tiếng Anh: Hình thức của phần thi này tại RSM được đánh giá là tương tự với các câu hỏi trong đề thi TOEIC.
  • Với phần tự luận: Ứng viên sẽ có quyền chọn 1 trong 2 đề bài do phía công ty đưa ra và phân tích những quan điểm của bản thân dựa trên những trải nghiệm mà mình có.

4.3. Vòng Phỏng vấn: 

Thí sinh sẽ trải qua phỏng vấn với quản lý và Tổng giám đốc bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Vòng thi này đề cao thái độ, cách ứng xử và tinh thần chủ động từ nhân viên/thực tập sinh nên nếu chưa thực sự có câu trả lời xuất sắc, bạn hoàn toàn có thể xin cơ hội để trả lời lại.

Trong đó, các câu hỏi không mang tính chất học thuật (non-technical) xuất hiện trong vòng này đa phần sẽ là những câu hỏi như: 

  • Bạn biết gì về công ty RSM? 
  • Điều gì thôi thúc bạn dấn thân vào lĩnh vực Kế - Kiểm - Tài chính - Thuế? 
  • Định hướng nghề nghiệp trong tương lai của bạn là gì?

Một số câu hỏi liên quan đến kiến thức chuyên ngành tiêu biểu là: 

  • Nguồn để lấy báo cáo tài chính ở đâu;
  • Khái niệm về thủ tục cut-off,.. 

5. Kỳ tuyển dụng của Công ty TNHH hãng kiểm toán và tư vấn A&C:

Vòng tuyển dụng của A&C bao gồm 4 giai đoạn: Vòng hồ sơ - Đánh giá kiến thức nghiệp vụ - Đánh giá trình độ tiếng Anh và Phỏng vấn cá nhân.

5.1. Vòng Hồ sơ: 

Một số tiêu chuẩn cần đáp ứng nếu như muốn tiến sâu hơn trong vòng này tại A&C bao gồm:

  • Điểm trung bình tích lũy phải đạt tối thiểu 7.0/10.
  • Chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) ở mức khá trở lên
  • Luôn sẵn sàng có thể đi công tác xa.

Tất cả những tiêu chí này nhằm đảm bảo ứng viên có đủ năng lực chuyên môn và ngoại ngữ trong quá trình nhận dự án, làm việc trực tiếp với khách hàng. Ngoài ra, ứng viên có thể bổ sung vào hồ sơ các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế khác như ACCA, ACA;..

5.2. Vòng Đánh giá kiến thức nghiệp vụ: 

Bài kiểm tra sẽ gồm 2 chủ đề chính: Kế toán tài chính và Phân tích hoạt động doanh nghiệp. 

  • Phần kế toán tài chính: Đi sâu vào các câu hỏi thiên về Kế toán - Kiểm toán. 
  • Phần Phân tích hoạt động của doanh nghiệp (phân tích tài chính): sẽ đòi hỏi thí sinh cần có cái nhìn đúng đắn về dòng tiền, rủi ro và các tỷ suất hoạt động tài chính.

Ôn tập kỹ và nắm chắc các chủ điểm về Báo cáo tài chính (Financial Statement), Tỷ số tài chính (Financial ratios) cũng như tham khảo các nguồn tài liệu chuyên ngành, giáo trình môn tài chính doanh nghiệp của các trường Đại học là bí quyết để vượt qua vòng thi tuyển này.

5.3. Vòng Kiểm tra trình độ tiếng Anh: 

Thời gian làm bài sẽ là 60 phút cho 80 câu trắc nghiệm mô phỏng đề thi TOEIC. Và nếu có nền tảng tiếng anh vững chắc, bạn hoàn toàn có thể yên tâm “vượt bão”. Trong quá trình ôn tập, hãy rèn luyện thói quen làm đề để có phản xạ với con chữ tốt hơn.

5.4. Vòng Phỏng vấn:

Hội đồng phỏng vấn của A&C thường bao gồm thành viên Ban Giám đốc và các nhân viên cấp cao của công ty. Kiến thức chuyên ngành sẽ ít được đề cập trong quá trình trao đổi mà chủ yếu sẽ là các câu hỏi về tình huống, ứng xử. 

Một số câu hỏi điền hình có thể xuất hiện trong vòng này bao gồm:

  • Giới thiệu về bản thân;
  • 5 điểm mạnh - điểm yếu;
  • Tại sao chúng tôi lại nên chọn bạn?

Tạm kết

Vừa rồi, SAPP Academy đã chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển của một số đơn vị Non-Big. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn xây dựng chiến lược ôn tập phù hợp. Và nếu chưa thấy sự xuất hiện của công ty mà mình yêu quý, mời các bạn theo dõi phần tiếp theo trong chuỗi bài viết về kinh nghiệm thi tuyển Non-Big của chúng mình nhé!

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

Mọi yêu cầu về dịch vụ sẽ được phản hồi trong 04 giờ làm việc (Thời gian làm việc từ 10h00 đến 18h00 từ thứ 2 đến thứ 6). Chúng tôi luôn cố gắng phản hồi nhanh nhất ngay khi nhận được yêu cầu!