[Level 1] Ethical & Professional Standards

Tổng quan và các nội dung chính của môn Ethical and Professional Standards trong chương trình CFA level 1

1. Tổng quan về môn học

Ethics là môn có trọng số điểm tương đối cao so với các môn học còn lại của chương trình CFA level 1 (15-20%). Do vậy, việc dành một khoảng thời gian tương đối cho môn Ethics có thể góp phần cải thiện tỉ lệ pass level 1 của các bạn.

Một lầm tưởng khá phổ biến của người bắt đầu tiếp cận CFA, đó là cho rằng Ethics là một môn “dễ”, vì nhiều người cho rằng giữa chuẩn mực đạo đức thông thường áp dụng hàng ngày và quy tắc, chuẩn mực đạo đức của nhà tư vấn tài chính hẳn sẽ có nhiều điểm tương đồng, và đều dựa trên những nền tảng chung. Điều này không sai, tuy nhiên, môn Ethics của chương trình CFA còn bao gồm nhiều nội dung khác, đó là vững các quy tắc (“codes”) và chuẩn mực đạo đức (“ethical standards”) và những hành vi cấu thành sự vi phạm các quy tắc và chuẩn mực nêu trên. Rất nhiều chartered holders cho rằng đây là một trong những môn “khó nhằn” nhất, không chỉ với level 1, mà thậm chí cả level 2 và level 3. Lý do bởi môn học này vô cùng trừu tượng, mơ hồ và vô cùng nặng lý thuyết. Sẽ có những lúc bạn gặp một câu hỏi, mà khi đọc xong bạn hoàn toàn không có một chút manh mối nào về câu trả lời đúng, thậm chí không hiểu phần này nằm ở đâu trong sách. Do vậy, cách học đối với môn Ethics sẽ rất khác so với các môn còn lại, và để ôn tập cũng như hoàn thành tốt nội dung này trong chương trình CFA level 1, SAPP Academy sẽ đề ra một vài chiến lược ôn thi cũng như kinh nghiệm làm bài ở phần kế tiếp của bài viết.

2. Các kiến thức và nội dung quan trọng

Tổng quan về nội dung môn Ethics trong chương trình CFA level 1:

Reading #56: Đạo đức và Niềm tin của công chúng dành cho ngành nghề Tư vấn đầu tư (Ethics and Trust in the Investment profession): 

  • Định nghĩa về đạo đức của nhà tư vấn đầu tư
  • Vai trò của các quy tắc đạo đức đối với nghề tư vấn đầu tư
  • Khái niệm về nghề nghiệp chuyên môn và cách xây dựng lòng tin trong nghề
  • Sự cần thiết của các chuẩn mực đạo đức đối với ngành đầu tư
  • Tính chuyên nghiệp trong quản lý đầu tư
  • Thách thức đối với nhà tư vấn đầu tư để giữ vững đạo đức nghề nghiệp
  • Phân biệt giữa các chuẩn mực đạo đức và quy phạm pháp luật
  • Mô hình ra quyết định hành vi đạo đức của nhà tư vấn đầu tư

(Bài viết chi tiết: tại đây)

Reading #57: Quy tắc và Chuẩn mực đạo đức (Code of Ethics and Standards of Professional Conduct)

  • Cấu trúc Quy chuẩn Ứng xử chuyên nghiệp của CFA Institute
  • 6 Nguyên tắc đạo đức và 7 Chuẩn mực Đạo đức hành nghề
  • Giải thích các trách nhiệm về mặt đạo đức theo các Quy chuẩn và Chuẩn mực đạo đức

(Bài viết chi tiết: tại đây)

Reading #58: Hướng dẫn tuân thủ Chuẩn mực đạo đức I-VII (Guidance for standards I-VII):

  • Bao gồm nội dung chi tiết của các chuẩn mực Đạo đức hành nghề và hướng dẫn chi tiết cho việc thực hiện các chuẩn mực này.

(Bài viết chi tiết: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6)

Reading #59: Giới thiệu về Tiêu chuẩn toàn cầu về Hiệu suất đầu tư (Introduction to the Global Investment Performance Standards (GIPS)) 

  • Lý do ra đời của các Tiêu chuẩn toàn cầu về Hiệu suất Đầu tư 
  • Mục đích của chỉ số tổng hợp (composite) trong Hiệu suất Đầu tư

(Bài viết chi tiết: tại đây)

3. Chiến lược ôn thi đối với môn Ethics

Rất nhiều người thường bắt đầu chương trình CFA với môn Ethics, vì theo thứ tự xuất hiện đây là môn đầu tiên, và chiếm trọng số điểm tương đối cao so với các môn còn lại. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các CFA chartered holders chỉ ra rằng đây nên là môn học cuối, sau khi bạn đã hoàn thành 9 môn còn lại. Lý do bởi đây là môn thuần lý thuyết nhất trong chương trình CFA level 1, và sẽ có tương đối nhiều nội dung nhỏ, chi tiết các bạn cần phải nhớ. Học Ethics quá sớm có thể dẫn đến việc kiến thức sẽ rơi rụng dần cho đến giai đoạn ôn thi. Ngoài ra, vì là môn thuần lý thuyết, nên môn này có thể sẽ bớt “thú vị” hơn nếu so với các môn còn lại, và sẽ là chướng ngại về mặt tinh thần không hề nhỏ nếu bắt đầu học Ethics ngay từ đầu. Ethics cũng là môn không liên quan nhiều đến các môn còn lại trong chương trình, do vậy không nhất thiết phải bắt đầu sớm bằng môn Ethics

  • Giai đoạn tiếp thu kiến thức: Như đã nói, do Ethics là môn vô cùng nặng về lý thuyết, nên cho dù bạn có sở hữu trí nhớ cực kỳ tốt, thì việc lao đầu vào đọc sách Curriculum ngay từ đầu cũng sẽ là một hành động có phần hơi “dại dột”. Trước khi tiếp cận với mỗi Reading, bạn hãy dành khoảng 5-10 phút để scan qua các learning outcomes, các đề mục chính, các tiểu mục quan trọng để hình dung cấu trúc của một Reading bao gồm những gì, những phần nào là phần trọng tâm, và để sau này khi làm bài tập, khi một case study xuất hiện thì ít nhất nếu không nhớ chi tiết, bạn cũng sẽ biết cần tìm nội dung này ở đâu trong sách.
  • Giai đoạn ôn thi: Sau khi qua giai đoạn tiếp thu kiến thức, các bạn nên có một bản summary các nội dung chính của môn Ethics và bắt đầu vào công cuộc làm bài tập. Nguồn tài liệu tham khảo có thể là past exam, mock test, question bank, đặc biệt là bài tập cuối mỗi chương trong sách Curriculum vì đây là bài tập chính thống, có đáp án và giải thích rõ ràng được trình bày bởi CFA Institute.

Thời gian dành cho việc làm bài tập nên chiếm tới 60 – 70% thời gian ôn thi cho môn Ethics, và các bạn hãy làm càng nhiều bài tập có thể. Trong đó, với các bài tập trong sách Curriculum nên được làm ít nhất 2 lần. Việc quá chú tâm học thuộc lý thuyết của môn Ethics là không thực sự cần thiết, vì nên nhớ 90% bài tập về Ethics là bài tập tình huống, rất hiếm khi câu hỏi rơi vào dạng “ghi nhớ, học thuộc”. Càng làm bài tập nhiều, các bạn sẽ càng quen với các “bẫy” hay được sử dụng.

4. Tips khi làm bài tập của môn Ethics

Như đã nói, trong quá trình ôn tập và thi đối với nội dung Ethics trong chương trình CFA Level 1, sẽ có những lúc bạn rơi vào tình huống mơ hồ, mất phương hướng trong việc đưa ra đáp án. Trong những tình huống như vậy, bạn có thể dựa vào 2 nguyên tắc chính sau đây:

  • Nguyên tắc hàng đầu của Ethics đó là sự công bằng. Mục đích của các Quy chuẩn và Chuẩn mực đạo đức ra đời đó là để khuyến khích sự công bằng trong ngành đầu tư, do vậy, khi case study bạn gặp phải có một tình huống có phần nào đó có vẻ “không công bằng (unfair)”, câu trả lời đem lại sự công bằng cho các bên liên quan nhiều khả năng sẽ là câu trả lời chính xác.
  • Nguyên tắc thứ hai, thứ tự ưu tiên về nghĩa vụ đối với một nhà tư vấn đầu tư, đó là:
    • Sự liêm chính (integrity) của thị trường > Khách hàng > Công ty chủ quản > Bản thân

Sự liêm chính của thị trường là điều tối quan trọng và phải ưu tiên hàng đầu. Sẽ có những trường hợp, các bên liên quan đều được hưởng lợi, nhưng nếu một bên có biểu hiện gian lận thì mọi hành vi của bên đó đều không được chấp nhận. Tiếp đến, các Quy chuẩn và Chuẩn mực luôn nhấn mạnh lợi ích của khách hàng phải được ưu tiên, bởi niềm tin của khách hàng dành cho nhà tư vấn đầu tư là một trong những nền tảng duy trì ngành dịch vụ tư vấn tài chính. Sau cùng mới đến Công ty chủ quản và bản thân nhà tư vấn.

Reviewed: Cam Tu Vu