Chia sẻ từ các chuyên gia

[Business Professional Outfit] Chọn trang phục đi làm cho nam

Bạn chẳng bao giờ có cơ hội thứ hai để tạo ra ấn tượng đầu tiên. Không quan trọng bạn là ai hay có background như thế nào, việc xuất hiện với một diện mạo chuyên nghiệp sẽ tạo cho bạn một ấn tượng từ lần đầu tiên gặp mặt đến mãi về sau. 

Đừng băn khoăn, bạn không cần phải có một gu ăn mặc như các chuyên gia thời trang để trông chuyên nghiệp. Hôm nay, SAPP xin hướng dẫn cách để giúp các bạn nam chọn được trang phục của mình tại nơi công sở.

I. Hiểu về quy tắc ăn mặc (dress code)

Nhìn chung, các loại hình doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau có cách ăn mặc khác nhau. Nếu bạn làm các công việc chuyên nghiệp như kiểm toán viên hoặc ngân hàng và bạn đang có một cuộc hẹn ăn trưa với đối tác, bạn sẽ nên chọn những trang phục phù hợp với ngành nghề đó. Cụ thể, bạn nên chọn cho mình một phong cách trịnh trọng – một bộ suit công sở kèm theo cà vạt. Đối với những môi trường năng động hơn như sáng tạo nội dung, bạn có thể khoác lên mình những bộ trang phục thể hiện cá tính của riêng mình nhưng vẫn giữ được lịch sự.

Hầu hết các công ty ngày nay đều đã có dress code riêng nằm trong quy chế nội bộ và có thể tham khảo tại phòng nhân sự. Hãy liên hệ họ để nhận được bảng hướng dẫn quy tắc ăn mặc trong các sự kiện của doanh nghiệp. Bạn có thể quan sát phong cách của sếp và đánh giá mức độ formal thông qua các phụ kiện đi kèm, càng chỉn chu bao nhiêu nghĩa là kỳ vọng về dress code của công ty càng cao bấy nhiêu. 

Chúng ta có 4 kiểu dress code dành cho văn phòng bao gồm: business formal, business professional (hoặc business informal), business casual và casual.

1. Business formal

Đây là dress code có mức độ trịnh trọng nhất trong tất cả các trang phục. Thông thường, business formal dành cho những sự kiện trọng đại đối với công ty, có thể kể đến như sự kiện ký kết hợp đồng với đối tác. Tại những sự kiện này, được yêu cầu tuân thủ chặt chẽ giúp công ty có được hình ảnh tốt nhất.

2. Business professional

Về cơ bản, business professional không yêu cầu quá khắt khe như business formal nhưng sự trang trọng vẫn phải được giữ ở mức độ nào đó. Business professional thường được áp dụng cho những sự kiện ít trịnh trọng hơn như sự kiện ra mắt sản phẩm mới.

3. Business casual

Nếu trong cuốn sổ tay dress code ghi rằng bạn có thể mặc business casual nghĩa là bạn không cần phải mặc suit mỗi ngày. Hầu hết thời gian làm việc của bạn sẽ được yêu cầu loại dress code này. Business casual cho phép chọn mang những trang sức, phụ kiện đi kèm đa dạng hơn, miễn là bạn vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản và lịch sự cần có.

4. Casual

Đây là yêu cầu thấp nhất trong các dress code. Điều này nghĩa là casual cho phép bạn thể hiện cá tính bằng cách chọn những chiếc T-shirt hay những phụ kiện theo ý thích với bạn. Tuy nhiên, phần khó nằm ở việc bạn thể hiện bản thân nhưng vẫn giữ được sự chuyên nghiệp và lịch sự cần có.

II. Những nguyên tắc cơ bản

Dù là dress code nào đi chăng nữa, việc nắm vững các nguyên tắc là rất cần thiết để tạo nên một hình ảnh chuyên nghiệp.

  • Nếu có thể, hãy luôn luôn cố gắng xuất hiện với dung mạo tốt nhất.
  • Dùng màu trơn cho áo sơ mi đối với nam và áo blouse đối với nữ là sự lựa chọn an toàn nhất trong mọi trường hợp, hãy hạn chế những hoa tiết gây rối mắt.
  • Đừng chọn mặc những phụ kiện liên quan đến những vấn đề tranh cãi như tôn giáo, chính trị.
  • Đừng mang mắt kính trong tòa nhà hoặc văn phòng
  • Hãy chắc chắn rằng đôi giày đã được đánh bóng sạch sẽ; tuyệt đối không sử dụng sneakers.
  • Hãy tháo phần khuyên (piercings) trên mặt hoặc cơ thể, ngoại trừ phần khuyên tai của phụ nữ.
  • Hãy chắc chắn trang phục bạn mặc có thể che đi phần hình xăm trên người.
  • Luôn luôn giữ trang phục sạch sẽ và không có nếp nhăn.
  • Tránh để áo bung ra khỏi quần.

III. Các phụ kiện dành cho nam giới

1. Suit

Khi đã quyết định theo đuổi những ngành nghề chuyên nghiệp thì việc sở hữu cho mình vài bộ suit trong tủ đồ là bắt buộc. Khi chọn suit, bạn nên dành sự ưu tiên hàng đầu cho chất liệu vải, sự vừa vặn và thoải mái, sau đó mới đến phong cách.

a. Chất liệu vải

Ở điều kiện khí hậu như Việt Nam thì bạn nên sở hữu suit có chất liệu từ cotton, vải sợi tropical, linen hoặc microfiber. Đây đều là những loại vải mềm, mịn và đặc biệt là rất thoáng khí. Ngoài ra, trọng lượng vải cũng là yếu tố bạn nên lưu tâm khi cân nhắc lựa chọn suit. May mắn thay bạn không cần phải trở thành chuyên gia may mặc để biết về trọng lượng vải vì hầu hết các chỉ số này đã được thể hiện trên sản phẩm, các bạn chỉ cần nhớ rằng trọng lượng trung bình của một mảnh vải là 200g/m2. Hiện nay, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy 3 mức trọng lượng sau:

  • Từ 200-300g/m2: Đây là loại vải nhẹ, lý tưởng cho những ngày hè nóng nực.
  • Từ 300-400g/m2: Đây là loại vải vừa phải, thích hợp những ngày thời tiết không quá nóng hoặc quá lạnh. Đối với khí hậu Việt Nam thì đây là là loại phù hợp nhất.
  • Từ 400-600g/m2: Đây là loại vải nặng, thích hợp với những bạn có dự định đi công tác ở những vùng có khí hậu lạnh.

b. Sự phù hợp với dáng người

Suit đẹp nhất khi được may đo theo thông số cá nhân người mặc. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không có đủ điều kiện để may đo. Chính vì thế, việc hiểu rõ dáng người của mình để chọn ra những bộ suit may sẵn là cách thường được chọn. Ở nam giới, các dáng người được chia ra thành 3 loại như sau:

  • Dáng rhomboid: Đây là dáng người có phần vai nở ra vừa phải so với phần dưới của cơ thể. Đây là kiểu dáng mong ước của phái mạnh và sẽ vừa vặn với hầu hết mọi loại trang phục.
  • Dáng hình tam giác: Đây là dáng người có phần vai nhỏ hơn phần dưới của cơ thể. Thông thường sẽ gặp được ở những bạn có xương chậu to.
  • Dáng hình chữ V: Đây là dáng người có phần vai nở ra to hơn so với phần dưới của cơ thể và thường thấy nhất ở những bạn đam mê tập gym.
  • Dáng hình chữ nhật: Đây là dáng người có phần vai bằng với phần dưới của cơ thể. Thông thường, những bạn hơi gầy sẽ sở hữu dáng người này.
  • Dáng tròn: Đây là dáng người có phần vai nhỏ hơn phần dưới của cơ thể. Thông thường sẽ gặp được ở những bạn hơi thừa cân.

c. Kiểu dáng

Suit được chia ra thành 3 loại chính bao gồm suit 2 lớp, suit 3 lớp và tuxedo (Từ trái qua phải theo hình minh họa). 

  • Suit 2 lớp: bao gồm 2 lớp áo, lớp áo suit jacket và lớp áo nền. Nếu bạn cần sự trẻ trung và thoải mái thì suit 2 lớp thật sự là loại trang phục hợp với bạn.
  • Suit 3 lớp: bao gồm 3 lớp áo, lớp áo suit jacket, lớp áo waistcoat (áo ghi-lê) và lớp áo nền. Suit 3 lớp tạo nên sự chín chắn cần thiết và chưa bao giờ lỗi thời với những người yêu thời trang.
  • Tuxedo: Tuxedo về cơ bản chính là suit. Tuxedo bắt nguồn từ tên của câu lạc bộ Tuxedo Park Club của giới thượng lưu New York thời đó. Kiểu dáng suit này được một vị hoàng tử xứ Wales tặng cho ông chủ câu lạc bộ. Điều đầu tiên dễ nhận ra nhất là phần ve áo khoác ngoài, còn được gọi là lapel. Với suit thì lapel có cùng chất liệu với phần còn lại của bộ đồ, nhưng ở Tuxedo thì khác, lapel thường được làm bằng lụa bóng và là điểm nhấn trên bộ trang phục. Điểm khác biệt thứ hai, là hàng khuy trên vest Tuxedo được bọc vải làm tăng lên vẻ trang trọng, điều gần như không bao giờ thấy trên một bộ suit loại khác. Điểm thứ ba khác biệt, là đôi khi chiếc quần âu trong bộ Tuxedo có sử dụng vải satin hoặc lụa dọc theo phần thân đắp thành dải viền.

d. Phong cách

Suit thường có 3 kiểu phong cách chính được chia dựa theo nguồn gốc:

 

  • Suit kiểu Mỹ (Single Vent) là loại Suit có 1 đường xẻ sau với thiết kế form áo rộng ít tôn dáng người mặc.
  • Suit kiểu Anh (Double Vent) là loại Suit có 2 đường xẻ sau với thiết kế form thoải mái trẻ trung và ôm vừa cơ thể.
  • Suit kiểu Ý (No vent) là loại Suit truyền thống không có đường xẻ sau lưng với thiết kế áo form Slimfit may phần vai cao và eo thon phù hợp với những người có thân hình đẹp muốn tôn dáng khi mặc Suit.

e. Ve áo (Lapels)

Suit Jacket có thể chia thành 3 loại:

  • Notch Lapel: Kiểu ve áo chữ V đây là kiểu thường gặp và thông dụng nhất phù hợp với nhiều người. 
  • Peak Lapel: Kiểu ve áo được may ngược lên thể hiện sự quyền lực của người mặc. 
  • Shawl Label: Kiểu ve trơn thường được may bằng nguyên liệu vải lụa hoặc Satin bóng thường dùng những dịp trang trọng.

f. Kiểu nút áo

Một câu thần chú bạn cần phải luôn luôn áp dụng khi mặc suit đó chính là “đứng cài, ngồi mở”. Khi đứng thì cài nút và cởi nút trước khi ngồi để giữ áo không bị nhăn. Quy tắc này áp dụng cho tất cả kiểu dáng suit, tuy nhiên ở từng kiểu áo lại có cách cài nút riêng.

i) Suit 1 hàng nút (single-breasted jacket suit)

  • Loại 1 nút: Đây là loại áo đơn giản nhất. Vì loại này chỉ có duy nhất 1 nút nên tất cả việc bạn cần làm chỉ là nhớ kĩ câu “đứng cài, ngồi mở”.
  • Loại 2 nút: Đối với suit này, cài nút trên và bỏ nút dưới.
  • Loại 3 nút: Mọi việc có vẻ dần phức tạp lên nhưng đừng lo, bởi vì luôn có những quy tắc chuẩn để ghi nhớ. Nút giữa luôn cài (trừ khi ngồi), nút trên cùng có thể cài để trông luôn lịch thiệp hoặc không để tạo sự phóng khoáng trẻ trung. Chiếc nút cuối cùng luôn luôn không sử dụng tới.

  • Áo waistcoat: Cài hết tất cả các nút phía trên trừ nút dưới cùng

ii) Suit 2 hàng nút  (double-breasted jacket suit)

  • Loại 4 nút: Vẫn dùng cùng một quy tắc với loại suit 2 nút, chúng ta sẽ cài nút trên và bỏ nút dưới ở cả 2 hàng. Phần nút ẩn có công năng cố định 2 lớp áo lại với nhau, tránh trường hợp bị nhăn hoặc cử động mạnh khiến nút áo bị bung ra.
  • Loại 6 nút: Quy tắc vẫn giống như loại 3 nút, luôn cài 2 nút ở giữa và 2 nút dưới thực hiện giống loại 4 nút. 2 nút trên cùng tùy vào thiết kế mà có thể cài hoặc là không. 

iii) Nút tay áo (suit cuffs)

Đây là một nét cổ điển còn ghi dấu lại trong những bộ suit ngày nay. Nó giống như chi tiết trang trí cho bộ suit chứ không còn mang được ý nghĩa ban đầu của nó là giúp người mặc có thể xắn tay áo.

2. Áo

Nếu bạn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp thì bạn hãy chọn áo sơ mi. Áo sơ mi gọn gàng, lịch sự và phù hợp với mọi dress code trong công sở nên việc sở hữu chúng gần như là bắt buộc.

a. Cổ áo

Trên thị trường hiện nay, những chiếc áo sơ mi thường có 3 loại cổ áo cơ bản: 

  • Cổ nhọn: Là dạng cổ áo chúc xuống, có thể mang cravat được. 
  • Cổ cài nút: Có nút cài ở chóp cổ áo, loại này không thể mang cravat. 
  • Cổ tròn: Có dạng bầu lại ở phần mũi, có thể mang cravat được.

b. Cổ tay áo

  • Cổ tay áo một nút : Đây chính là loại phổ biến và thông dụng nhất mà bạn có thể nhìn thấy rất nhiều trên thị trường.
  • Cổ tay áo hai nút : Đây là loại cổ tay áo rất thích hợp dành cho những chiếc áo sơ mi mặc cùng caravat.

  • Cổ tay áo măng sét : Đây là phụ kiện thời trang dùng để cố định 2 bên cổ tay áo lại với nhau.

c. Chất liệu vải

  • Cotton: Ưu điểm của loại vải này là nó có khả năng hút ẩm rất tốt và thoáng, thích hợp với người có nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của loại vải này là thường dễ nhăn. 

  • Polyester: Đây là loại vải pha giữa sợi bông vải và sợi bông tổng hợp từ hóa chất, hoặc hoàn toàn là sợi tổng hợp, ít nhăn, có thể dùng để mặc thường ngày hoặc khi đi công tác mà bạn không phải lo chuyện ủi đồ. 

  • Lụa: được làm bằng 100% sợi tơ tằm, chất liệu mềm rũ hoặc sợi thô, khi sử dụng áo có chất liệu này, bạn phải giặt ủi theo cách riêng, Các chiếc áo làm từ chất liệu silk thường rất thích hợp mặc trong những dịp trang trọng. 

  • Linen: Loại 100% cotton thời trang, sợi thô, dễ nhăn, nhưng rất thích hợp với mùa hè.

d. Size áo

Bạn nên chọn một chiếc áo vừa vặn, thoải mái không quá rộng (vì áo rộng không còn hợp mốt) nhưng cũng không nên quá ôm. SAPP có 1 lưu ý nhỏ cho bạn là hầu hết các áo sơ mi sau vài lần giặt sẽ rút lại một ít. Hãy chắc chắn rằng chiếc áo mình mặc đã trừ đi phần rút đi ấy.

3. Quần tây

a. Quần may đo (tailored trousers)

Quần may đo phù hợp với gần như mọi trường hợp và dress code trong công sở. Bạn nên sở hữu từ 3 chiếc quần tây màu trơn trở lên trong tủ đồ của mình. 

b. Quần chinos

Quần chinos thường sử dụng vải cotton 100% hoặc vải sợi nhân tạo co giãn. Loại quần này ôm vừa phải, ống rộng rãi và thoải mái. 

c. Quần khakis

Quần khaki khá giống với quần chinos. Tuy nhiên, khaki thường sẽ làm từ vải cotton dày và thường được cắt với dáng suông. Vì tính bụi bặm của mình nên quần khaki chỉ thích hợp với những dress code ít trang trọng như business casual.

d. Quần vải nhung kẻ

Quần vải nhung kẻ là loại quần được làm từ vải nhung kẻ. Loại quần này có đặc tính mềm và bền do được cấu tạo từ những loại chất liệu cotton nhân tạo và các sợi polyester. Thông thường, người mặc thường dùng quần vải nhung kẻ để thể hiện cá tính của mình và do đó chỉ thích hợp cho dress code business casual.

4. Giày tây

a. Giày Oxford (Cap Toe Oxford)

Oxford là một trong những kiểu giày thông dụng nhất trong danh sách này, là thứ bạn cần đầu tư đi kèm quần tây – áo sơ mi hay một set đồ suit trang trọng, lịch sự để phù hợp cho những hoàn cảnh đặc biệt hoặc trong môi trường công sở. Kiểu giày da nam này có rất nhiều màu sắc nhưng đen và nâu luôn là hai màu phổ dụng nhất.

b. Giày Brogues

Brogues vốn dĩ là tên của họa tiết Broguing (đục lỗ) trên giày tây như Oxford hay Derby. Sau do quen miệng, người ta bắt đầu gọi là Brogues. Loại giày này áp dụng cho các dress code là business casual và casual.

c. Giày Boat Shoes

Kiểu giày này rất dễ phối với nhiều loại trang phục thuộc dress code business casual và casual, phù hợp với những tiết trời nắng nóng khi vào Hè. Đặc điểm nhận dạng của giày Boat chính là chi tiết dây giày ở phía trên và phần đế làm từ cao su chống trơn trượt.

d. Giày loafer

  • Driver shoes (Driving loafer): Một kiểu giày khác có kiểu dáng tương tự Boat, và phù hợp sử dụng cho Business Casual và Casual. Để phân biệt Driver với Boat, các bạn hãy nhìn vào phần đế giày, sẽ không phải là một lớp đế nhựa chống trượt như Boat mà sẽ là từng mảng cao su sắp xếp xen kẽ theo quy tắc họa tiết nào đó hoặc đơn thuần chỉ là những hạt nhỏ xếp thẳng hàng.

  • Giày Penny loafer: Penny Loafer là một sản phẩm rất đa dụng có thể sử dụng quanh năm, phù hợp với môi trường văn phòng khi đi kèm quần tây lẫn phong cách casual với quần chinos. Mang đặc điểm của loafer, phần thân giày sẽ có vành đai bị khoét 1 đường dài.

e. Giày Monk strap

Kiểu giày da nam này rất dễ được nhận diện qua chi tiết một lớp da vắt ngang phần thân với khuy giày cài bên má ngoài của chân, thay thế cho kiểu dây buộc truyền thống. Có thể có một, hai hoặc thậm chí ba khuy tùy thuộc vào thiết kế. Monk Strap phù hợp với mọi loại dress code.

f. Giày Chukka (Desert Boots)

Chukka là kiểu giày boots dành cho nam. Đặc điểm nhận dạng là trên thân có từ 2 đến 3 cặp lỗ xỏ dây và chiều cao của cổ giày chỉ ngang hoặc quá mắt cá chân một chút. Kiểu giày này thường làm từ vải da lộn hoặc da bê, phù hợp với phong cách casual khi phối hợp cùng với quần jeans, SAPP không khuyến khích sử dụng trong môi trường công sở.

g. Giày Chelsea boot

Chelsea boot có chiều dài đến mắt cá chân hoặc hơn, có phần mũi tròn, gót thấp. Toàn bộ hầu như được làm từ 1 miếng da duy nhất. Phía sau chiếc boot sẽ có 1 miếng cao su đàn hồi kéo dài đến mắt cá chân. Chelsea boot thích hợp với các dress code như Business Professional, Business Casual và Casual.

5. Vớ

Bạn nên có ít nhất vài đôi màu tối dành cho những dress code như formal business hoặc business casual. Thông thường, bạn nên chọn tất có cùng màu với quần tây của bạn. Họa tiết ở tất được phép sử dụng, miễn là chúng không quá gây phản cảm. Vớ nên dùng những chất liệu mát và thoải mái như cotton, len hoặc lụa.

6. Các phụ kiện đi kèm

a. Túi các loại

  • Cặp xách (Briefcase): Đây là dạng túi đựng tài liệu và các vật có dạng hình chữ nhật như laptop.

  • Túi xách tay (Clutch): Giống như chị em phụ nữ, đàn ông cũng có những vật cá nhân cần mang theo. 

  • Túi đeo (Shoulder bag): Túi đeo có công năng tương tự như cặp xách nhưng nó có thêm phần dây đeo giúp giảm đi việc xách nặng cho người sử dụng.

  • Balo: Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về chiếc túi đa năng này. Balo rất tiện cho việc chứa tài liệu. Điểm bất tiện duy nhất của balo là không kết hợp được với những dress code yêu cầu tính trang trọng cao.

b. Đồng hồ

Ở môi trường công sở, đồng hồ chính là phụ kiện thể hiện địa vị và đẳng cấp của mình. Với những chuyên gia đàm phán, khoảnh khắc 2 người bắt tay thì việc đầu tiên họ làm sẽ là nhìn vào đồng hồ của người đối diện. Chính vì thế, bạn hãy chăm chút đồng hồ của mình nếu bạn cảm thấy công việc mình làm cần đến sự bóng bẩy. Nếu không, một chiếc đồng hồ chính hãng tầm trung cũng là quá đủ đối với bạn. 

Những dòng đồng hồ có thể tham khảo: Orient (2 triệu trở lên), Seiko (3 triệu trở lên), Tissot (5 triệu trở lên), Frederique Constant (Từ 13 triệu trở lên).

 

c. Thắt lưng

Thắt lưng là một phụ kiện thông dụng đến mức ai cũng sở hữu 1 chiếc trong nhà. Sau đây là một số tips sử dụng thắt lưng:

  • Thắt lưng nên phù hợp hoặc cùng màu và họa tiết với chiếc giày của bạn.
  • Hạn chế những loại thắt lưng có nhiều lỗ vì khó sử dụng cho các loại dress code khác nhau.
  • Hãy sử dụng phù hợp với kiểu trang phục đang mặc. Không bao giờ kết hợp một chiếc thắt lưng sang trọng với một chiếc quần jean và cũng không kết hợp một chiếc thắt lưng họa tiết quá cá tính cùng với suit.
  • Không nên bỏ áo sơ mi trong quần mà là không kèm thắt lưng.
  • Đối với những chiếc thắt lưng loại đục lỗ, tuyệt đối không nên tự thực hiện ở nhà.

d. Cà vạt và nơ

Đây đều là những phụ kiện tuyệt vời khi kết hợp với bộ suit. Sự tự tin và lịch lãm của một người đàn ông sẽ được nhân lên khi bạn sử dụng đúng cách về loại phụ kiện này. Hiện nay, trên thị trường cung cấp chủ yếu 3 loại bao gồm Tự thắt, Thắt sẵn và Thắt cố định. Việc quyết định xem chọn cà vạt hay nơ phụ thuộc phần lớn vào dress code. Ví dụ như khi bạn được mời tham gia một buổi tiệc thân mật có ghi rõ dress code là black tie thì người ta ngầm mặc định bạn sẽ tới với diện mạo trong 1 chiếc nơ trong một bộ tuxedo. Trong khi đó, cà vạt lại được ưa chuộng hơn ở những dịp quan trọng cần đến sự nghiêm túc như hội họp hoặc công sở.

 

Trên đây là một số chia sẻ về trang phục dành cho công sở cho các bạn nam. Hy vọng với bài viết này các bạn có thể chọn cho mình những mẫu trang phục phù hợp nhất để trở nên tự tin nhất, thời thượng nhất nhưng cũng không kém phần chuyên nghiệp. Chúc các bạn có một kỳ thực tập thành công mỹ mãn.

 

Author: Tuyen Le

Reviewed by: Duy Anh Nguyen