Chia sẻ từ các chuyên gia

[Business Professional Outfit] Những điều cơ bản về màu sắc

Trong môi trường công sở, việc nắm rõ cách dùng màu sắc để truyền đạt những thông điệp rất quan trọng. Mọi thứ trong công việc diễn ra quá nhanh và chúng ta có quá ít thời gian để thực sự hiểu người đối diện ngay từ lần đầu tiên. Chính vì vậy, việc nắm rõ ý nghĩa của từng loại màu sắc không chỉ giúp bạn thể hiện cá tính của mình mà còn qua đó thấu hiểu một phần người đối diện. Trong bài viết ngắn này, SAPP sẽ thông tin đến bạn những kiến thức cơ bản về màu sắc ở các nền văn hóa khác nhau.

I. Lý thuyết cơ bản về màu sắc

Chúng ta có thể nhìn thấy hơn 7 triệu màu. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều được cấu tạo từ một vài màu gốc. 

1. Vòng tròn màu sắc

Vòng tròn màu sắc là nền tảng cơ bản trong thiết kế, trang trí cũng như các hình thức nghệ thuật chú trọng đến màu sắc, bao gồm cả thời trang. Khi bạn đã hiểu các kiến thức cơ bản về màu sắc, nó giúp cho bạn lựa chọn màu một cách dễ dàng, phù hợp và thú vị. Thực tế thì bạn càng nắm rõ về màu sắc, bạn càng thấy thú vị trong việc lựa chọn gam màu trong thiết kế hay đơn giản là phối đồ trang phục bạn mặc hàng ngày.

Vòng màu sắc được chia thành 3 cấp độ chính, được liệt kê dưới đây:

  • Màu sơ cấp (màu cấp 1): Các màu sơ cấp bao gồm Vàng, Đỏ và Xanh dương. Đây là 3 màu mà theo lý thuyết màu sắc việc pha trộn chúng với nhau theo các tỉ lệ khác nhau sẽ tạo ra tất cả các màu còn lại. Ba màu đó trộn đều cùng tỉ lệ sẽ cho màu đen.
  • Màu thứ cấp (màu cấp 2): Các màu cấp 2 được tạo ra bằng cách trộn 2 màu cơ bản lại với nhau. Có ba màu cấp 2. Chúng là màu tím (xanh + đỏ), cam (đỏ + vàng), và xanh lá cây (vàng + xanh).
  • Màu cao cấp (màu cấp 3): Việc pha trộn các màu cơ bản với màu cấp 2 sẽ tạo ra các màu cấp 3, gồm có 6 màu: Vàng-Xanh lá, Xanh lam-Xanh lá, Xanh lam-Tím, Đỏ-Tím, Đỏ-Cam, Cam-Vàng.

2. Trạng thái màu Hue, Tone, Tint và Shade

Các màu trên vòng tròn màu sắc trên chính là màu gốc và được gọi là Hue (Pure color). Khi kết hợp màu đen hoặc trắng vào các màu Hue, chúng ta được 3 dạng khác của màu sắc là Tint, Shade và Tone. Nghe có vẻ phức tạp nhưng tấm hình sau sẽ giúp các bạn hình dung rõ hơn về các khái niệm trên.

Trạng thái Tint của màu sắc được tạo ra bằng cách hòa trộn Hue cùng với màu trắng, ngược lại là Shade bằng cách hòa trộn Hue cùng với màu đen. Dạng Tone thì tinh tế hơn bởi vì nó đòi hỏi sự kết hợp của cả màu đen và trắng, đây cũng là lý do màu Tone trông tự nhiên hơn so với trạng thái Tint và Shade.

Nghe đơn giản vậy thôi nhưng thực ra chúng cực kì hữu dụng khi ta tiến hành phối màu. Thứ nhất, số lượng màu sắc sẽ được tối giản. Bạn không cần phải lo lắng mình sẽ bị lòe lẹt như bảy sắc cầu vồng nữa. Lợi ích đặc biệt còn lại, đó là chỉ từ các màu gốc nhất định rồi pha các sắc độ đen/trắng thêm vào, vô hình chung, các màu sắc tạo ra có được sự gắn kết rất chặt chẽ và tinh tế.

3. Màu nóng, màu lạnh và màu trung tính

  • Màu nóng chính là dạng màu có tỷ lệ lớn màu đỏ và vàng trong cách phối màu. Những màu nóng tạo cho chúng ta cảm giác đầy năng lượng. Điều này tạo cảm giác nhỏ hơn khi sử dụng những màu này, bạn có thể tận dụng tip này khi muốn mình trông thon gọn hơn.
  • Màu lạnh chính là dạng màu có tỷ lệ lớn màu xanh dương trong cách phối màu. Những màu lạnh sẽ khiến mắt chúng ta thư giãn và nhẹ nhàng. Chính vì vậy, màu lạnh thường được dùng như cách để cân bằng.

  • Màu trung tính là những màu có vai trò là màu nền giúp làm nhạt màu chủ đạo. Bạn có thể sử dụng màu trung tính cùng màu mạnh hơn mà vẫn tạo nên vẻ đẹp hài hòa cho tổng thể. Màu trung tính bao gồm các màu như trắng, xám, ghi, nâu, kem… với nhiều sắc thái đậm nhạt khác nhau. Thông thường các màu trung tính không nổi bật nhưng cũng không hề mờ nhạt và mang đến vẻ đẹp khó có thể trộn lẫn.

II. Những nhận định về màu sắc

1. Màu sắc và ngữ cảnh

Một màu đơn có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau giữa các văn hóa khác nhau. Ở châu Á, màu cam là màu tích cực, sự giác ngộ về tâm linh và màu khẳng định của sự sống. Trong khi đó, màu cam ở Mỹ lại là biển báo đường nguy hiểm, giao thông bị tắc hoặc nhà hàng thức ăn nhanh. Màu sắc có thể đại diện cho một nghi thức, sự khác biệt giữa một nhãn hàng cao cấp và thấp cấp hoặc đơn giản chỉ là phân biệt giữa niềm vui và nỗi buồn. Bạn hãy nhớ rằng ngữ cảnh là tất cả.

2. Màu sắc và thời tiết

Ngay cả khí hậu tại nơi chúng ta sống cũng ảnh hưởng đến sở thích màu sắc của chúng ta, theo nhà tâm lý học E.R. Jaensch. Nghiên cứu của ông chỉ ra những người ở vùng khí hậu có nhiều ánh sáng mặt trời sẽ có xu hướng thích những màu nóng, trong khi ngược lại người ở vùng khí hậu mát mẻ sẽ chuộng những màu lạnh hơn. Bạn có thể dùng kiến thức này với những người vừa gặp có da mặt trắng trẻo, đang trong trang phục có màu lạnh và hỏi rằng “Bạn có phải đi du học từ Âu, Mỹ về không?”. Hãy nghĩ xem họ sẽ bất ngờ như thế nào về độ tinh tế của bạn!

3. Màu sắc và giới tính

Nghe qua thì màu sắc có lẽ không liên quan đến giới tính. Tuy nhiên nếu nhìn kĩ hơn bạn sẽ nhìn thấy rõ những sự khác biệt nhất định này. Cụ thể, nữ giới có khả năng nhận diện màu sắc hơn nam giới. Nam giới thường chỉ có khả năng nhận diện những màu dạng màu gốc, Tint (màu gốc pha với trắng) và Shade (màu gốc pha với màu đen) mà không có khả năng nhận diện dạng màu Tone (màu gốc pha với cả trắng và đen). Điều này lý giải phần nào nam giới thường khó chọn được thỏi son có màu theo đúng ý của phụ nữ.

4. Màu sắc và tuổi tác

Sự liên quan giữa màu sắc và tuổi tác có thể quan sát được trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trong độ tuổi từ 3 đến 6, trẻ em thường chỉ nhận diện được và thích những màu ở dạng Hue. Những đứa trẻ này thường bị thu hút bởi sức mạnh, sự ấm áp và nhiệt huyết. Chính vì vậy, những màu nóng thường là lựa chọn yêu thích của chúng khi được hỏi sở thích về màu sắc.

Càng trưởng thành, người ta càng trở nên điềm tĩnh hơn. Đó cũng là lý do màu sắc bắt đầu dịu hơn so với tuổi trẻ. Các màu dạng Shade dần được trở nên yêu thích và quá trình này cứ tiếp tục cho đến khi bạn dần nhận ra tất cả các bộ đồ trong tủ quần áo của mình đã trở thành màu đen, tím hoặc nâu.

III. Ý nghĩa của màu sắc

1. Màu đỏ

Có thể nhận định rằng đây là màu sắc hàm chứa nhiều ý nghĩa nhất. Tốt có, xấu có. Điểm chung của hầu hết những tính chất của màu đỏ đều xuất phát từ sự nhiệt huyết và quyền lực. 

Trong các cung điện hay bất cứ đồ dùng nào của người phương Đông đều có sự hiện diện của màu đỏ. Những người thích màu đỏ thường là những người có cá tính, mạnh mẽ, quyết đoán và có một niềm đam mê quyền lực khá lớn. 

Màu đỏ không tượng trưng cho cái ác nhưng nó luôn đem lại cảm giác sợ sệt, chùn bước cho người xung quanh. Màu đỏ làm cho những người nhìn nó cảm thấy nóng hơn, khát khao hơn, nhưng cũng đề phòng hơn, cẩn thận hơn.

2. Màu cam

Màu cam kết hợp năng lượng của màu đỏ và hạnh phúc của màu vàng. Nó được liên kết với niềm vui, ánh nắng mặt trời và vùng nhiệt đới. Màu cam đại diện cho sự nhiệt tình, cuốn hút, hạnh phúc, sáng tạo, quyết tâm, thu hút, thành công, khuyến khích và kích thích.

Màu cam không có lợi cho mắt người vì màu cam là màu rất nóng. Tuy nhiên, màu cam không mãnh liệt như màu đỏ. Màu cam làm tăng lượng oxy cung cấp cho não, tạo ra tác dụng tiếp thêm sinh lực và kích thích hoạt động trí óc. Nó rất được ưa thích trong giới trẻ. Là một màu cam quýt, màu cam được kết hợp với thực phẩm lành mạnh và kích thích sự thèm ăn. Màu cam là màu của mùa thu và mùa màng.

3. Màu vàng

Màu vàng tạo ra hiệu ứng ấm lên, khơi dậy sự vui vẻ, kích thích hoạt động trí óc và tạo ra năng lượng cơ bắp. Màu vàng thường liên quan đến thực phẩm. Màu vàng sáng, tinh khiết là một yếu tố thu hút sự chú ý, đó là lý do các xe taxi được sơn màu này. Khi sử dụng quá mức, màu vàng có thể gây ra hiệu ứng khó chịu. Một vài nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trẻ sơ sinh khóc nhiều hơn trong những căn phòng màu vàng. Màu vàng được nhìn thấy trước các màu khác khi đặt so với màu đen; sự kết hợp này thường được sử dụng để đưa ra cảnh báo. Trong việc thiết kế huy hiệu, màu vàng biểu thị danh dự và lòng trung thành. Sau đó, ý nghĩa của màu vàng được kết nối với sự hèn nhát.

4. Màu xanh lá

Màu xanh lá cây là màu của thiên nhiên. Nó tượng trưng cho sự phát triển, hài hòa, tươi mới và màu mỡ. Màu xanh lá cây có mối liên hệ cảm xúc mạnh mẽ với sự an toàn. Màu xanh lá cây đậm cũng thường liên quan đến tiền bạc (đồng bạc xanh của Mỹ). 

Màu xanh lá cây có khả năng chữa bệnh tuyệt vời. Nó là màu sắc yên tĩnh nhất cho mắt người; nó có thể cải thiện thị lực. Màu xanh lá cây cho thấy sự ổn định và bền bỉ. Đôi khi màu xanh lá cây biểu thị sự thiếu kinh nghiệm. Trong việc thiết kế huy hiệu, màu xanh lá cây biểu thị sự phát triển và hy vọng. Màu xanh lá cây, trái ngược với màu đỏ, có nghĩa là an toàn; nó là màu của lối đi tự do trong giao thông đường bộ.

5. Màu xanh dương

Màu xanh là màu của bầu trời và biển. Nó thường gắn liền với độ sâu và sự ổn định. Nó tượng trưng cho sự tin tưởng, trung thành, khôn ngoan, tự tin, thông minh, niềm tin, sự thật và thiên đàng. 

Màu xanh lam rất có lợi cho cảm xúc và cơ thể. Nó làm chậm quá trình trao đổi chất của con người và tạo ra tác dụng làm dịu những cảm xúc tiêu cực. Màu xanh lam liên quan mật thiết với sự yên bình và tĩnh lặng. Người ta thường thiết kế huy hiệu màu xanh lam để tượng trưng cho lòng mộ đạo và sự chân thành.

6. Màu tím

Màu tím kết hợp sự ổn định của màu xanh và năng lượng của màu đỏ. Qua nhiều thời kỳ, tím luôn gắn liền với hoàng gia, quý tộc và uy tín. Màu tím màu có thể tượng trưng cho bí ẩn, ma thuật, quyền lực và sang trọng. Trong thực tế, chúng ta hầu như rất ít thấy vật gì sở hữu màu này. Chính vì thế mà trong quá khứ khi mực nhân tạo chưa được phát triển, việc chế tạo ra những lọ thuốc nhuộm màu tím chỉ dành cho tầng lớp quý tộc.

7. Màu nâu

Màu nâu là một gam màu trầm ấm. Nó gợi nên sự tin cậy, cảm giác an toàn, và vẻ đẹp sang trọng. Vì nó là gam màu của đất, nên nó cũng sẽ sở hữu sự chắc đặc, giống như một nền tảng không gì lay chuyển. Đây được coi là gam màu thuộc về mùa thu và đông với hình ảnh những chiếc lá rụng xuống, hòa vào nền đất.

8. Màu xám

Bản thân xám cũng là một màu sành điệu, sang trọng nhưng lạnh, cổ điển và thanh lịch. Màu xám có tác dụng làm giảm độ chói của các màu quá tươi và phù hợp với các màu còn lại. Vì thế, nếu muốn thử nghiệm một màu áo mạnh mẽ nào đó, nên chọn quần, áo khoác, áo choàng màu xám để kiềm chế sự mạnh mẽ của chúng.

9. Màu đen

Giống như trắng, đen cũng là màu thông dụng và được yêu thích trong thời trang. Về ý nghĩa, màu đen tượng trưng cho sự huyền bí, cho người mặc một chiều sâu nhất định. Điểm thường thấy ở chúng chính là vẻ thanh lịch, tao nhã và gợi cảm.

10. Màu trắng

Trong hầu hết các nền văn hóa, màu trắng là biểu tượng cho sự giản dị và tinh khiết tuyệt đối. Điều này rất đơn giản để giải thích, bởi chỉ một vết bẩn nhỏ, thậm chí một giọt nước không màu rơi vào nền trắng, cũng dễ dàng bị nhận ra.

Ngoài ra, màu trắng còn mang ý nghĩa hòa giải, hòa bình, trung lập. Đôi khi, màu trắng vì quá đơn giản nên thường tạo cảm giác lạnh lẽo, đơn độc và thất bại. Có thể đó là lý do những lá cờ đầu hàng có màu trắng.

Trên đây là những thông tin liên quan đến cách phối màu, ý nghĩa của các màu sắc. Hi vọng bài viết này có thể hỗ trợ các bạn tìm hiểu sâu hơn vào các màu sắc và chọn ra những cặp màu yêu thích để khoác lên mình những bộ cánh phù hợp nhất nhé. 

 

Author: Tuyen Le

Reviewed by: Duy Anh Nguyen