[FR/F7] Financial Reporting (Lập báo cáo Tài chính)

[FR/F7: Technical Articles] - Enron Scandal: Bài Học Cho Nhà Đầu Tư Từ Sự Sụp Đổ Của Đế Chế Năng Lượng Hùng Mạnh Nhất Hoa Kỳ

Nếu là người quan tâm tới lĩnh vực Kế - Kiểm, hẳn bạn không thể bỏ lỡ vụ bê bối Enron những năm đầu thế kỷ 21. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng SAPP bóc tách các thủ thuật gian lận BCTC mà Enron đã sử dụng nhằm “che mắt” các bên liên quan nhé!

Bê bối Enron - Gian lận BCTC

1. Quá trình vươn tới đỉnh cao của Enron  

Năm 1985, công ty năng lượng Enron được ra đời thông qua việc sáp nhập hai công ty Houston Natural Gas và InterNorth. 

Vượt qua thách thức của thị trường trong những năm đầu thập niên 90, Enron đã “lột xác” nhanh chóng trở thành đơn vị hàng đầu về bán khí đốt tự nhiên tại Bắc Mỹ. Đỉnh điểm của sự phát triển này là vào tháng 11/1999, khi website Enron Online chính thức ra mắt, đánh dấu bước tiến lớn trong hành trình tập trung vào tăng trưởng. Từ đó, đơn vị này trở thành “ngôi sao sáng” trên thị trường chứng khoán với mức tăng cổ phiếu luôn ghi nhận ở ngưỡng cao: Giá cổ phiếu tăng 56%, 87% lần lượt vào các năm 1999 và 2000.

Bê bối Enron - Gian lận BCTC (1)

Đến ngày 31/12/2000, cổ phiếu Enron chạm đỉnh với vốn hóa thị trường vượt qua mốc 60 tỷ USD, là gấp 70 lần so với thu nhập và 6 lần giá trị sổ sách. Điều này thể hiện thị trường chứng khoán kỳ vọng rất nhiều vào triển vọng của Enron trong tương lai. Enron cũng được tạp chí Kinh doanh Forbes tôn vinh với cái tên mỹ miều: “Công ty sáng tạo bậc nhất Hoa Kỳ” trong 6 năm liền.

2. Vén màn góc khuất - khi lợi nhuận chỉ là sự tô vẽ    

2.1. Sự hình thành của các SPEs và che giấu công nợ    

Enron thành lập hơn 900 thực thể có mục đích đặc biệt (SPEs) nhằm che giấu công nợ và "khai khống" lợi nhuận. Về hình thức, các đơn vị này được quản lý bởi bên ngoài, nhưng thực tế vẫn thuộc quyền kiểm soát và đảm bảo rủi ro bởi Enron. Cổ phiếu của công ty mẹ được cầm cố làm tài sản vay tiền các SPEs. Nguồn tiền này sau đó được sử dụng để “phù phép” thành các khoản doanh thu giả.

Kết quả của chiến thuật "rút ruột" tinh vi này là thành công che giấu các khoản nợ và tài sản không mong muốn khỏi BCTC, dẫn đến sự lạc quan quá mức về tình hình kinh doanh của Enron.

Bê bối Enron - Gian lận BCTC (2)

2.2 Hạch toán theo mức giá thị trường nhằm định giá sai tài sản  

Enron đã sử dụng phương pháp Mark To Market, hay hạch toán theo giá thị trường, để báo cáo giá trị dự kiến của tài sản trong BCTC. Các giao dịch được ghi nhận trong thời điểm này đều được dự đoán với dòng tiền tương lai cao. Thay vì thận trọng ghi nhận doanh thu thực bán được cho những mặt hàng đã được đặt trước, Enron lại ghi nhận doanh thu ước tính nhằm đẩy doanh thu thực từ 13,3 tỷ USD (năm 1996) lên 100,8 tỷ USD (năm 2000).

Tận dụng khoản tiền chênh lệch giữa giá trị tính toán hiện tại và giá trị ban đầu được thanh toán trong hợp đồng, Enron đã cố tình “thổi phồng” doanh thu, giảm các khoản lỗ lũy kế, đồng thời tạo hình ảnh ổn định và duy trì lòng tin của các bên liên quan như nhà đầu tư, các cơ quan xếp hạng tín dụng,...

3. Liên minh ma quỷ và sự lụi tàn                                                              

“Liên minh ma quỷ” là tên gọi của những người đứng sau hệ thống gian lận tài chính tinh vi tại Enron, tạo điều kiện cho việc lừa đảo cổ đông và các nhà đầu tư. Liên minh là mối liên kết gồm ban lãnh đạo Enron, một số quan chức chính phủ và đặc biệt là công ty Tư vấn và kiểm toán Arthur Andersen. Một nhân vật tiêu biểu cho mạng lưới này là Richard Causey. Trước khi gia nhập Enron với vai trò là Kế toán trưởng và đề xuất hệ thống lừa dối cổ đông này, ông từng là kiểm toán viên của Andersen và có mối quan hệ thân thiết với các thành viên.

Không lâu sau đó, Andersen đã cùng Enron ký hợp đồng tư vấn, kiểm toán BCTC của công ty với khoản phí chi trả khổng lồ. Nhờ vậy mà phí tư vấn và kiểm toán trong các những năm cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21 đều là những con số khổng lồ: Giao động từ 25 - 30 triệu USD/năm/loại hình dịch vụ. Với danh tiếng của Arthur Andersen, các công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư luôn cố gắng thuyết phục nhà đầu tư mua cổ phiếu của Enron.

Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Cuối cùng, khi không còn đủ khả năng che giấu những khoản lỗ từ những thương vụ thất bại, vào tháng 10/2001, Enron tiết lộ về việc phóng đại doanh thu trong suốt 4 năm, khiến cổ phiếu giảm giá mạnh. Cuối cùng, Enron đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào 02/12/2001. 

Bê bối Enron - Gian lận BCTC (3)

Sự sụp đổ của Enron kéo theo hàng loạt tội danh và án phạt, đặc biệt là hai lãnh đạo chủ chốt như Jeffrey Skilling và Kenneth Lay. Skilling còn bị kết tội giao dịch nội gián, phải chịu phạt 45 triệu USD và 24 năm tù. Còn Lay thì đã chết vì nhồi máu cơ tim trong lúc chờ đợi bản án dành cho mình.

“Trạng chết chúa cũng băng hà”. Công ty kiểm toán Arthur Andersen cũng phải chịu hậu quả của hành vi tiêu hủy giấy tờ liên quan đến kiểm toán Enron. Mặc dù được Tòa án tối cao gỡ bỏ cáo buộc của cấp quận, Arthur Andersen vẫn mất danh tiếng, hàng loạt khách hàng và chuyên viên vào tay KPMG và EY. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng Giám đốc điều hành đương nhiệm, ông Joe Berardino thừa nhận đã phạm sai lầm nghiêm trọng. 

4. 03 bài học xương máu rút ra cho nhà đầu tư    

4.1 Cẩn trọng khi đọc hiểu BCTC hợp nhất của doanh nghiệp

Enron đã lợi dụng lỗ hổng kế toán để bóp méo các thông tin trong BCTC hợp nhất, làm ảnh hưởng đến đánh giá của nhà đầu tư và các bên liên quan. Vì vậy, với đơn vị có nhiều công ty con bạn hãy kiểm tra tính trung thực, chính xác và phù hợp của các chỉ số tài chính với tình hình kinh doanh thực tế.

4.2 Hãy là một nhà đầu tư thông thái    

Người chịu thiệt nhất sau vụ bê bối này là những người đã mua cổ phiếu của Enron, thậm chí có người đã trả $90/cổ phiếu và chỉ thu về $1 ngay sau đó. Một công ty lớn không đồng nghĩa sẽ luôn duy trì ổn định, nên cần phân bổ danh mục đầu tư một cách hợp lý. Và nếu muốn đầu tư vào cổ phiếu công ty mình đang làm việc, bạn cần nắm rõ thực trạng của công ty.

4.3 Sử dụng báo cáo kiểm toán và kết quả phân tích cẩn thận    

Mặc dù Enron đã để lại “báo động đỏ” về các dấu hiệu sai phạm nhưng công ty Kiểm toán Arthur Andersen đã không chỉ ra, có nghĩa là chỉ dựa vào báo cáo kiểm toán là không đủ. Ước tính rằng chi nhánh tại Hilton của đơn vị kiểm toán này đã nhận hối lộ 1 triệu đô/tuần để che giấu gian lận. Đầu tư sẽ trở nên hợp lý hơn nếu bạn xem xét thêm các tiêu chí, ấn phẩm khác để giảm thiểu rủi ro. 

Bê bối Enron - Gian lận BCTC (4)

Sau vụ bê bối này, nhiều ngân hàng như Goldman Sachs, Lehman Brothers, phải đối mặt với các vụ kiện từ nhà đầu tư liên quan đến hoạt động giới thiệu mua cổ phiếu. Do đó, chỉ nên sử dụng kết quả phân tích như một phương tiện tham khảo chứ không phải là tiêu chí duy nhất khi ra quyết định đầu tư.

Lời kết

Hy vọng qua chuỗi bài viết vừa rồi, bạn đã có cái nhìn toàn diện nhất về các thủ thuật gian lận báo cáo tài chính, cũng như hiểu được bối cảnh của Enron - vụ bê bối khiến BIG5 (Ngũ đại gia) chỉ còn là BIG4. Hãy đón chờ những chủ đề tiếp theo của SAPP nhé!

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: (+84) 971 354 969

Chương trình Tái đăng ký khóa học: https://sapp.edu.vn/chuong-trinh-tai-dang-ky-khoa-hoc/