Big 4 - Kinh nghiệm cho vòng phỏng vấn cá nhân

[Interview - Final - Tips] - Kinh Nghiệm Chinh Chiến Vòng Phỏng Vấn Cá Nhân Tại BIG4 Kỳ Fresh 2024

Phỏng vấn cá nhân là bước cuối cùng để bạn thể hiện năng lực, sự phù hợp giữa bản thân và doanh nghiệp. Vì vậy, làm sao để thể hiện tốt là một trong những lo lắng thường gặp của ứng viên. Ứng viên cần thể hiện như thế nào? Cùng SAPP khám phá nhé!

Kinh Nghiệm Chinh Chiến Vòng Phỏng Vấn Cá Nhân Tại BIG4 Kỳ Fresh-01

1. Các tiêu chí mà người phỏng vấn đánh giá khi xem xét một ứng viên

Kinh Nghiệm Chinh Chiến Vòng Phỏng Vấn Cá Nhân Tại BIG4 Kỳ Fresh-02

Mỗi lĩnh vực, ngành nghề, công ty và thậm chí là phong cách của người phỏng vấn sẽ có những tiêu chí khác nhau khi đánh giá ứng viên nhưng nhìn chung, quyết định tuyển dụng sẽ dựa trên 4 khía cạnh chính:

  • Ấn tượng;
  • Nền tảng tư duy; 
  • Tính cách và sự phù hợp của ứng viên đối với vị trí ứng tuyển;
  • Sự trung thực.

1.1. Ấn tượng ban đầu

Ấn tượng ban đầu và xuyên suốt cuộc phỏng vấn thường sẽ đến từ vẻ ngoài, cách ăn mặc, phong thái, cách nói chuyện, diễn đạt, trình bày vấn đề. Đây không phải là một tiêu chí “cứng” khi đánh giá nhân sự, ví dụ như ứng viên ăn mặc xấu/không phù hợp thì sẽ bị loại, tuy nhiên, sự đánh giá các khía cạnh khác sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ấn tượng ban đầu. 

Người tạo được ấn tượng ban đầu tốt sẽ luôn có xu thế được “ưu tiên” hơn. Ngoài ra, ấn tượng còn có thể đến từ nội dung, cách trả lời phỏng vấn, những đặc điểm nổi bật trong tính cách và CV của bạn.

1.2. Nền tảng tư duy

Tư duy là yếu tố được đánh giá trong xuyên suốt quy trình tuyển dụng, từ CV, bài test kiến thức chuyên môn, các vòng phỏng vấn nhóm/cá nhân. Bộ phận nhân sự có thể đánh giá sơ bộ tư duy của ứng viên thông qua các căn cứ: trường đại học, các bằng cấp liên quan, cách trình bày CV, điểm bài kiểm tra,... 

Tuy nhiên, đến vòng phỏng vấn, việc người phỏng vấn đưa ra các câu hỏi technical, hoặc tình huống khó, là để đánh giá cách tư duy, xử lý và giải quyết vấn đề của ứng viên như thế nào. Vì vậy, nếu gặp phải các câu hỏi quá chuyên sâu so với khả năng của mình, bình tĩnh và tìm ra phương pháp tiếp cận vấn đề, cách nhìn nhận vấn đề, sự logic, mạch lạc trong tư duy, tư duy phản biện (critical thinking)... sẽ giúp bạn “ghi điểm” trong mắt người phỏng vấn.

1.3. Đánh giá tính cách và sự phù hợp của ứng viên

Quá trình đánh giá tính cách của ứng viên sẽ thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ phận tuyển dụng. Một số công cụ thường xuyên được sử dụng có thể bao gồm: MBTI, SHL personality question (đối với thí sinh ứng tuyển vào PwC),... Qua kết quả, phòng Nhân sự sẽ lọc ra một số nhóm tính cách phù hợp với vị trí tuyển dụng và số còn lại sẽ được điều hướng sang bộ phận khác phù hợp hơn/bị loại. Ví dụ, theo nhóm MBTI, công việc kiểm toán được đánh giá phù hợp với các nhóm tính cách như ESTJ - đề cao sự nguyên tắc, ổn định, rất tận tâm và trách nhiệm, trung thực và thẳng thắn. Ngoài ra có một số nhóm tính cách khác như ESFJ, ISTJ, … Mọi người có thể tham khảo trắc nghiệm tính cách MBTI tại đây.

Tuy nhiên, với vòng phỏng vấn cá nhân, các partner/manager có thể đặt ra câu hỏi để một lần nữa đánh giá về tính cách của ứng viên. Bởi lựa chọn theo tính cách ít nhất sẽ hạn chế tỉ lệ nhân viên làm được một thời gian rồi nghỉ, chuyển nghề khác.

1.4. Sự trung thực

Trong môi trường kiểm toán, kiểm toán viên sẽ được quyền tiếp cận các thông tin tài chính “nhạy cảm” có thể tận dụng nhằm tư lợi cho bản thân. Vì vậy, tính trung thực là điều vô cùng cần thiết. Hiring Manager tại BIG4 sẽ có xu hướng tuyển dụng những người mà họ cho rằng có thể tin tưởng, kề vai sát cánh vì mục tiêu chung của cả nhóm. 

2. Các dạng câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn

Kinh Nghiệm Chinh Chiến Vòng Phỏng Vấn Cá Nhân Tại BIG4 Kỳ Fresh-03

2.1. Các câu hỏi Technical

Các chủ đề technical thường gặp trong vòng phỏng vấn cá nhânlà kế toán, kiểm toán, thuế, tài chính (có thể). Độ khó của các câu hỏi sẽ thay đổi theo từng công ty, người phỏng vấn, ứng viên (chuyên ngành/không chuyên ngành).

Các dạng câu hỏi

Ví dụ

Dạng trình bày

  • “Lựa chọn một chuẩn mực kế toán mà em quan tâm và trình bày những gì em hiểu về chuẩn mực đó?”
  • “Trình bày phương pháp kiểm toán phần hành tiền?” 
  • “Trình bày cách tính thuế thu nhập cá nhân?” 
  • “Trình bày các nguyên tắc kế toán cơ bản?” …

Dạng nhận định

  • “Theo em thì phương pháp tính giá hàng tồn kho nào sẽ hay được các doanh nghiệp sử dụng nhất? Tại sao?” 
  • “Theo em lí do tại sao BTC lại hạ thuế suất thuế TNDN và ảnh hưởng của điều này tới nền kinh tế?”.

Bên cạnh 2 dạng câu hỏi điển hình này, người phỏng vấn có thể đặt ra các câu hỏi có phần hơi “đánh đố”, điển hình như: “Trình bày quy trình kiểm toán phần doanh thu của một doanh nghiệp bất động sản?”. 

Đối với những câu hỏi khó hoặc bản thân không nắm chắc, hãy cố gắng bình tĩnh và tìm ra cách tư duy, tiếp cận mà bạn cho là đúng nhất, bởi người phỏng vấn cũng sẽ không kỳ vọng một câu trả lời chuẩn chỉnh, mà xem cách tiếp cận, phân tích đề bài.

Ở dạng câu hỏi này thì yếu tố xét đến chủ yếu là tư duy, ấn tượng cũng không thể hiện được nhiều (trừ khi ứng viên có thể đọc thuộc tên chuẩn mực, thông tư, điều khoản).

2.2. Các câu hỏi Non-Technical

Các dạng câu hỏi

Ví dụ

Mục đích

Dạng câu hỏi về bản thân

  • “Hãy giới thiệu một chút về bản thân?”
  • “Em đang học chuyên ngành gì, trường gì?”
  • “Em thường xuyên làm gì trong thời gian rảnh?”
  • Giúp người phỏng vấn hiểu hơn về tính cách của ứng viên.
  • Ứng viên có thể dùng các đặc điểm nổi bật của bản thân để tạo ra sự khác biệt của bản thân với những người khác.

Dạng câu hỏi về trải nghiệm cuộc sống, về kinh nghiệm làm việc

  • “Bạn hãy mô tả công việc của bạn ở công ty abc”
  • “Thông qua công việc ở abc, bạn rút ra được bài học gì”
  • “Quan điểm của bạn về hiện tượng xyz trong xã hội là gì”
  • “Đối với bạn điều gì là khó khăn nhất trong công việc”
  • Xác thực sự trung thực của ứng viên khi đưa thông tin trong CV. 
  • Là cơ sở để người phỏng vấn hiểu sâu hơn về tính cách của ứng viên, từ đó đánh giá sự phù hợp.
  • Ứng viên có thể thông qua các câu hỏi này để thể hiện sự cống hiến, chăm chỉ và những lợi ích tích cực của bạn đã mang đến cho tổ chức trong suốt thời gian bạn tham gia hoạt động.

2.3. Các câu hỏi xử lý tình huống

Các câu hỏi về xử lý tính huống thường là những câu hỏi khó nhất trong một cuộc phỏng vấn vì đó không phải là một câu hỏi được lấy ra từ CV của ứng viên và không thể chuẩn bị trước. Người phỏng vấn chính sẽ chọn ra những câu hỏi bất ngờ để kiểm tra khả năng phản ứng nhanh trong việc ứng đáp và khi phải đưa ra đáp án trong thời gian ngắn thì tính cách và tư duy sẽ được bộc lộ ra rõ ràng nhất.

Trong 1 buổi phỏng vấn thông thường, ứng viên thường sẽ được hỏi về ưu điểm và khuyết điểm của mình hay những thử thách và khó khăn mà bạn phải đối mặt. Tuy nhiên, trong 1 buổi phỏng vấn hành vi, nhà tuyển dụng sẽ có sẵn 1 vài tố chất và đặc điểm mà họ tìm kiếm từ người ứng tuyển và sử dụng các câu hỏi hành vi để lựa chọn người phù hợp. Thay vì hỏi “Bạn sẽ làm thế nào?”, người phỏng vấn sẽ hỏi xem bạn đã ứng xử như thế nào trong quá khứ. Họ muốn biết quyết định bạn đã đưa ra trong một tình huống cụ thể thay vì sẽ làm thế nào trong tương lai 1 cách trung thực nhất. Đồng thời, họ cũng muốn nghe những nguyên nhân để dẫn bạn đến việc bạn đã ứng xử như vậy.

Ví dụ:

  • “Bạn có thể đưa ra một ví dụ về tình huống bạn phải làm việc dưới một deadline rất chặt?”
  • “Bạn đã bao giờ từng làm việc trong một nhóm mà ở đó mọi người đều không hài lòng về nhau? Bạn giải quyết tình huống đó như thế nào?”
  • “Bạn xây dựng mối quan hệ với một người quan trọng với bạn như thế nào?”

Phương pháp tiếp cận hiệu quả nhất được đề xuất đó là tìm hiểu kỹ về yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt với nghề kế - kiểm, các tiêu chí được đề cao thường là sự cam kết đối với nghề, khả năng chịu áp lực, tinh thần làm việc trách nhiệm … sau đó chọn ra tố chất mà bạn muốn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy và nhấn mạnh tố chất đó lên trong câu chuyện. Bạn có thể tham khảo mô hình STAR khi trả lời các câu hỏi hành vi này. Đây là tên viết tắt của bốn yếu tố cần có với một câu trả lời đó là Situation (Tình huống), Task (Nhiệm vụ), Action (Hành động), Result (Kết quả).

Lời kết

Hi vọng bài viết này đã góp phần giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho vòng phỏng vấn cá nhân - một trong những vòng quan trọng nhất của quá trình tuyển dụng. Hãy theo dõi SAPP Knowledge Base để có thêm nhiều kinh nghiệm, chiến lược ứng tuyển hay ho nhé!

Nguồn: Sưu tầm trên Internet.

>> Xem thêm:

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: (+84) 971 354 969