Các nghề nghiệp phổ biến trong ngành Tài Chính

Tại sao nên lựa chọn nghề Forex Currency Trader (Nhà Giao dịch Ngoại Hối)?

Forex hay thị trường ngoại hối, là nơi doanh nghiệp và nhà giao dịch cá nhân mua bán các loại tiền tệ trên thế giới. Thị trường ngoại hối đã mở ra cơ hội việc làm phong phú như Forex Currency Trader. Tìm hiểu về nghề này cùng SAPP ngay nhé!

tai-sao-nen-lua-chon-nghe-forex-currency-trader

1. Forex Currency Trader là nghề gì?

Để hiểu rõ hơn về vị trí Forex Currency Trader, trước hết SAPP sẽ giải thích rõ hơn một số khái niệm xoay quanh từ Forex. Forex là thị trường giao dịch tiền tệ quốc tế và hợp đồng phái sinh tiền tệ, đây sẽ là nơi cá nhân, tổ chức và các công ty tham gia mua bán các loại tiền tệ, tận dụng sự biến động của tỷ giá. Đây là một thị trường hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần, cho phép các nhà giao dịch từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào thị trường giao dịch tiền tệ.

tai-sao-nen-chon-forex-currency-trader

Forex Currency Trader (Nhà Giao dịch Ngoại hối) hay còn gọi tắt là Forex Trader là những người trực tiếp hoặc đại diện cho bên mua hoặc bán tham gia vào quá trình giao dịch tiền tệ trên thị trường ngoại hối. Công việc chính của họ là dự đoán những thay đổi và biến động của giá trị dòng tiền trên thế giới và thực hiện giao dịch trong các cặp tiền tệ trên thị trường ngoại hối để thu lợi từ sự thay đổi trong nhu cầu về tiền tệ. Họ có thể làm việc cho các công ty tài chính, cá nhân hoặc tổ chức hay các nhà đầu tư. Để hoàn thành công việc hiệu quả nhất, Forex Trader cần phải có kiến thức chuyên môn cao cũng như khả năng xử lý dữ liệu, và nhạy cảm đặc biệt về mặt con số.

2. Phạm vi công việc của Forex Currency Trader

tai-sao-nen-chon-nghe-Forex-currency-Trader


Phạm vi công việc của Forex Trader rất đa dạng và có thể có sự khác biệt giữa những Forex Trader khác nhau. Nhưng nhìn chung, nhiệm vụ chính của Forex Trader bao gồm:
- Nghiên cứu và Phân tích thị trường: Forex Trader phải thường xuyên theo dõi và nghiên cứu các yếu tố tác động đến thị trường ngoại hối, bao gồm chỉ số kinh tế, tin tức chính trị, sự kiện toàn cầu và các yếu tố kỹ thuật khác có thể ảnh hưởng đến tỷ giá tiền tệ. 
- Quyết định điểm giao dịch: Dựa trên phân tích và đánh giá thị trường, Forex Trader sẽ đưa ra quyết định về điểm bán và điểm mua, lựa chọn các cặp tiền tệ và đặt mục tiêu dừng lỗ (stop-loss) hoặc thu lợi nhuận (take-profit). 
- Thực hiện giao dịch: Forex Trader thực hiện các giao dịch trên các nền tảng giao dịch trực tuyến cung cấp bởi các sàn giao dịch hoặc các nhà môi giới (Forex Currency Broker). Họ thực hiện lệnh mua và bán tiền tệ, đặt điểm stop-loss và take-profit, và theo dõi hiệu suất giao dịch.
- Quản lý rủi ro: Forex Trader cần có kỹ năng quản lý rủi ro hiệu quả, bao gồm việc sử dụng kỹ thuật quản lý vốn, giới hạn sử dụng đòn bẩy, và thiết lập các phương án dự phòng để bảo vệ tài khoản khỏi các biến động bất lợi trên thị trường.
- Phân tích và báo cáo: Sau khi đã nắm rõ các thông tin và dữ liệu trên thị trường, Forex Trader sẽ phân tích xu hướng của thị trường, phân tích sau giao dịch để dự đoán các biến động trong tương lai.
Như vậy, công việc của Forex Trader yêu cầu sự tỉ mỉ, khả năng tính toán tốt và kỹ năng phân tích và quyết định. Điều này đảm bảo rằng họ có cơ sở thông tin đáng tin cậy để đưa ra quyết định giao dịch thông minh và tối ưu hóa lợi nhuận trong môi trường thị trường biến động. Để làm được điều đó, Forex Trader cần có kỹ năng quản lý rủi ro, bằng cấp chuyên môn liên quan tới ngành tài chính. 

3. Khung năng lực của Forex Currency Trader

tai-sao-nen-chon-nghe-forex-currency-Trader

Để có thể làm việc và phát triển trong nghề Forex Currency Trader, bạn cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Khả năng tính toán tốt (Strong Mathematics Ability)

Một trong những kỹ năng mà bất cứ Forex Trader nào cũng cần phải có là Khả năng tính toán tốt (Strong Mathematics Ability). Bởi đặc thù công việc thường xuyên phải tiếp xúc với các con số cũng như dữ liệu lớn, họ cần rèn luyện cho bản thân một khả năng tính toán chính xác và nhanh nhạy. Ngoài ra, khả năng tính toán cũng hỗ trợ trong việc phân tích dữ liệu lịch sử và dự đoán xu hướng tương lai. Điều này đảm bảo rằng Forex Trader có cơ sở toán học vững chắc để đưa ra các quyết định giao dịch thông minh và hiệu quả.

- Kỹ năng Phân tích & Giải quyết vấn đề (Problem-solving & Analytical Skills)

Thị trường Forex hoạt động liên tục và biến đổi không ngừng nghỉ nên một Forex Trader cũng phải là người có khả năng phán đoán và phân tích hiệu quả để dễ dàng nắm bắt sự biến động không ngừng của thị trường giao dịch tiền tệ.

- Phân tích Kỹ thuật và Cơ bản (Technical & Fundamental Analysis)

+ Phân tích kỹ thuật: Đây là việc nghiên cứu và phân tích các biểu đồ và chỉ báo kỹ thuật từ dữ liệu giao dịch ngoại hối thực tế để xác định xu hướng và mức độ biến động của giá cả tiền tệ. Forex Trader sử dụng các công cụ và chỉ báo kỹ thuật như đường trung bình di động (MA),  RSI (Chỉ số sức mạnh tương đối), MACD (Đường trung bình hội tụ-phân kỳ) và các mô hình giá để tìm kiếm tín hiệu mua hoặc bán. 

+ Phân tích cơ bản: Nghiên cứu tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền một quốc gia như kinh tế vĩ mô, vi mô, chính trị, thị trường tài chính. Forex Trader theo dõi các chỉ số kinh tế như tỷ lệ lãi suất, tăng trưởng GDP, tình hình việc làm, thông tin về chính sách tiền tệ và các sự kiện quan trọng để đưa ra kết luận về ảnh hưởng của các yếu tố này đến tỷ giá tiền tệ.

- Suy nghĩ chiến lược & Lập kế hoạch (Strategic Thinking & Planning)

Đây là kỹ năng mà bất cứ Forex Trader nào cũng cần phải có để đạt được mục tiêu giao dịch của mình. Lên kế hoạch bao gồm việc định rõ các mục tiêu giao dịch, quyết định về các cặp tiền tệ và khung thời gian giao dịch phù hợp, và xác định các quy tắc và chiến lược giao dịch. Bằng cách có một kế hoạch chiến lược rõ ràng, Forex Trader có thể tăng khả năng thành công trong giao dịch và giảm thiểu tác động của các yếu tố cảm xúc và biến động thị trường. 

- Lưu trữ tỉ mỉ (Meticulous record-keeping)

Bất cứ một thông tin hay giao dịch nào cũng quan trọng và là tài liệu quý giá cho các cuộc giao dịch trong tương lai. Vì thế, Forex Trader phải là người có tính cách tỉ mỉ, cẩn thận trong lưu trữ các dữ liệu liên quan đến giao dịch.

- Có tính tự học cao (Self-directed learner)

Ngoài những kỹ năng chuyên môn trên, để có thể theo kịp các biến động trong thị trường Ngoại hối (Forex), các Forex Trader cần có tính tự học cao để có thể theo kịp các biến động trong thị trường và cập nhật kiến thức mới nhất. Vì thị trường Forex thường xuyên biến đổi và có sự thay đổi liên tục, việc tự học trở thành một yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển trong lĩnh vực này. Tính tự học cao giúp Forex Trader nắm bắt các xu hướng mới, hiểu rõ các yếu tố tác động đến thị trường và áp dụng những phương pháp và công cụ mới nhất.

4. Lộ trình phát triển của Forex Currency Trader

tai-sao-nen-chon-nghe-Forex-currency-Trader

Lộ trình sự nghiệp của một Forex Trader có thể khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu cá nhân, kinh nghiệm và cơ hội. Tuy nhiên, đây là một khung chung về lộ trình sự nghiệp trong nghề Forex Trader:

- Trader tập sự (Entry-Level Trader): Khi bắt đầu bước vào nghề, các Forex Trader thường bắt đầu bằng việc tích lũy kinh nghiệm thực tế qua làm việc dưới dạng thực tập sinh, trader junior hoặc trợ lý giao dịch tại một tổ chức tài chính, công ty môi giới hoặc quỹ đầu tư. Giai đoạn ban đầu này giúp trader hiểu về động lực của thị trường, học cách sử dụng các nền tảng giao dịch và phát triển các chiến lược giao dịch cơ bản. 

- Trader Độc lập (Independent Trader): Sau khi tích lũy đủ  kinh nghiệm, Forex Trader có thể trở thành Trader độc lập. Họ có thể mở các tài khoản giao dịch riêng và giao dịch cho bản thân mình hoặc các tổ chức nước ngoài. Trader độc lập có quyền kiểm soát quyết định giao dịch của mình một cách linh hoạt hơn. Tuy nhiên, để trở thành Trader độc lập, họ cần phải có tính kỷ luật, kỹ năng quản lý rủi ro và liên tục nâng cao kiến thức.

- Nhà giao dịch độc quyền hoặc Quản lý Quỹ (Proprietary Trader or Fund Manager): Các Forex Trader có kinh nghiệm và thành công có cơ hội trở thành nhà giao dịch độc quyền hoặc quản lý quỹ. Những vai trò này thường đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, quản lý rủi ro và đánh giá hiệu suất giao dịch tốt hơn các vị trí trên. Bởi nó đòi hỏi tính tỉ mỉ và quyết đoán để Forex Trader đưa ra các quyết định giao dịch cho các quỹ đầu tư hoặc công ty đầu tư một cách hiệu quả.

- Phân tích viên hoặc Chiến lược gia (Analyst or Strategist): Với kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng, một số Forex Trader có thể chuyển sang vai trò như phân tích viên thị trường hoặc chiến lược gia. Họ cung cấp nghiên cứu, phân tích và thông tin chiến lược về thị trường tiền tệ, phát triển chiến lược giao dịch và đưa ra khuyến nghị cho khách hàng cơ sở hoặc phương tiện tài chính. Các vai trò này yêu cầu Forex Trader hiểu sâu về yếu tố kinh tế, phân tích kỹ thuật và xu hướng thị trường.

- Giảng viên/Tư vấn viên chuyên về Forex (Trading Mentor or Educator): Forex Trader có kinh nghiệm và thành công có thể chọn trở thành huấn luyện viên hoặc giảng viên giao dịch. Bằng cách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình, các Forex Educator có thể truyền đạt lại kinh nghiệm chiến lược và thông tin với những trader mới qua các chương trình hướng dẫn, hội thảo hoặc khóa học trực tuyến. Điều này giúp họ góp phần vào cộng đồng giao dịch và có thể tạo thu nhập từ việc hướng dẫn hoặc giảng dạy.

Lưu ý: lộ trình sự nghiệp của một Forex Trader không phải là một đường thẳng và mỗi cá nhân có thể khám phá nhiều lĩnh vực đồng thời hoặc chuyển đổi giữa các vai trò khác nhau dựa trên mục tiêu và cơ hội cá nhân. Sự thích ứng, học hỏi liên tục và tập trung vào quản lý rủi ro là những yếu tố quan trọng để đạt được thành công lâu dài trong ngành giao dịch ngoại hối.

5. Yêu cầu tuyển dụng của các công ty về nghề Forex Currency Trader

tai-sao-nen-chon-nghe-Forex-currency-Trader

Để có thể làm việc hiệu quả trong nghề, Forex Trader cần đáp ứng các yêu cầu sau:

Bằng cấp: Bằng cử nhân Đại học là yêu cầu bắt buộc với mỗi vị trí Trader tập sự. Một Forex Trader có thể đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau, song, các  chuyên ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Toán học, Thống kê, Tài chính,... là những chuyên ngành có ích hơn cả với Forex Trader. 

Kinh nghiệm: Ứng viên có kinh nghiệm hoặc đã từng tiếp xúc với thị trường giao dịch ngoại hối sẽ có lợi thế hơn cả với các nhà tuyển dụng. Hoặc nếu bạn chưa từng tiếp xúc với thị trường Forex trước đây, các bằng cấp hoặc chứng chỉ tài chính liên quan như CFA có thể sẽ giúp bạn gây ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng.

>> Xem thêm: Những Con Đường Nghề Nghiệp Tài Chính Điển Hình Dành Cho Ứng Viên CFA

Kỹ năng Tin học: Thành thạo các công cụ phân tích tổng hợp số liệu, big data như Excel, Python, power BI... sẽ giúp Forex Trader làm việc hiệu quả hơn.

Ngoại ngữ: Do tính toàn cầu của công việc, khi mà Forex Trader phải làm việc với nhiều loại tiền tệ khác nhau, yêu cầu sử dụng một ngôn ngữ chung như tiếng Anh là rất quan trọng. Vì vậy, bạn có thể tăng khả năng giao tiếp bằng Tiếng Anh của mình qua các khóa học giao tiếp hoặc các bằng cấp chuẩn hóa như IELTS, TOEFL, TOEIC,... Ngoài ra, thành thạo các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh cũng là một điểm cộng cho Forex Trader khi tham gia giao dịch trên thị trường Forex.

Thêm vào đó, để có thể thi tuyển vào ngành, các bạn cần phải có tố chất tỉ mỉ, quan sát tốt, tổng hợp thông tin nhanh, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, xu hướng và có phản xạ cudng năng lực ra quyết định tốt. Các bạn có thể trau dồi các kỹ năng này qua việc học tập thường xuyên, cập nhật tin tức trên báo chí và các thay đổi của các ngân hàng lớn trên thế giới hoặc các quỹ tiền tệ.

Kết luận

Qua bài viết trên SAPP tin rằng các bạn đã có cái nhìn tổng quát hơn về nghề Forex Currency Trader nói riêng và thị trường giao dịch ngoại hối Forex nói chung. Hy vọng bài viết sẽ có ích cho các bạn trên con đường lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Hãy đón chờ các bài viết tiếp theo về nghề nghiệp trong ngành tài chính của SAPP nhé!

>>Xem thêm: Tất tần tật về nghề Investment Consultant (Cố vấn Đầu tư)

>> Xem thêm: Các nghề nghiệp phổ biến trong lĩnh vực tài chính đầu tư (Phần 1)

>> Xem thêm: Các nghề nghiệp phổ biến trong lĩnh vực tài chính đầu tư (Phần 2)

>> Xem thêm: Giới thiệu về nghề Research Analyst (Phân tích Nghiên cứu)

>>Xem thêm: Giới thiệu về Financial Risk Analyst (Chuyên viên Phân tích rủi ro Tài chính) và Financial Risk Manager (Nhà Quản lý rủi ro Tài chính)

 

Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về quá trình học nền tảng hoặc bất kỳ vấn đề gì về dịch vụ và trải nghiệm tại SAPP, vui lòng liên hệ qua các kênh sau:

  • Hotline: (+84) 971 354 969
  • Email: support@sapp.edu.vn

Mọi yêu cầu về dịch vụ sẽ được phản hồi trong 04 giờ làm việc (Thời gian làm việc từ 10h00 đến 18h00 từ thứ 2 đến thứ 6). Chúng tôi luôn cố gắng phản hồi nhanh nhất ngay khi nhận được yêu cầu.